Các nước châu Âu bắt đầu chuẩn bị năng lượng cho mùa Đông tiếp theo

Để tăng nguồn cung năng lượng trong mùa Đông, Đức và các nước láng giềng EU đã mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Qatar và Mỹ với giá đắt đỏ hơn khí của Nga vốn được vận chuyển qua các đường ống dẫn.
Các nước châu Âu bắt đầu chuẩn bị năng lượng cho mùa Đông tiếp theo ảnh 1Sử dụng bếp gas tại Dortmund, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Châu Âu đã vượt qua được cuộc khủng hoảng năng lượng sau xung đột tại Ukraine, nhưng các doanh nghiệp và hộ gia đình đã bắt đầu nghĩ về việc làm thế nào để "sống sót" qua mùa Đông tiếp theo.

Khí hậu ấm áp, cộng với sự hỗ trợ của chính phủ, các kho dự trữ đầy khí đốt và việc nhập khẩu năng lượng từ các vùng khác đã giúp châu Âu giảm bớt các thiệt hại kinh tế do tác động của cuộc xung đột ở Ukraine.

Đức, nước vốn phụ thuộc nhiều vào khí tự nhiên nhập khẩu từ Nga, đã cung cấp các khoản hỗ trợ lớn cho người tiêu dùng, chật vật làm đầy các kho dự trữ nhiên liệu và tìm kiếm các nguồn cung năng lượng mới khi Moskva ngừng xuất khẩu.

Để tăng nguồn cung trong mùa Đông, Đức và các nước láng giềng EU đã mua khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Qatar và Mỹ với giá đắt đỏ hơn khí của Nga vốn được vận chuyển qua các đường ống dẫn.

Theo Viện nghiên cứu kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA), nhập khẩu LNG tại châu Âu đã tăng 60% trong năm 2022 so với một năm trước. Kết quả là kịch bản tồi tệ nhất cho mùa Đông 2022/2023 đã không xảy ra.

Các kho dự trữ khí đốt của châu Âu hiện ở mức đầy 72% (có thời điểm lên tới 83%), tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022.

Nhờ nhiệt độ trong mùa Đông năm nay ấm hơn bình thường, người tiêu dùng châu Âu phải bật máy sưởi muộn hơn, tiêu thụ ít năng lượng hơn nên dự trữ vẫn ở mức khá cao.

[Chi phí nhập khẩu khí đốt của Đức tăng vọt trong năm 2022]

Theo nhóm cố vấn Bruegel tại Brussels (Bỉ), nhu cầu khí tự nhiên đã giảm 12% trong năm 2022 so với mức trung bình năm 2019-2021. Ngoài ra, một lý do khiến nguồn cung tăng lên là việc một số lò phản ứng hạt nhân của Pháp hoạt động trở lại.

Sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, giá năng lượng ở châu Âu ghi nhận các mức cao kỷ lục – vượt 300 euro/MWh điện trong tháng 8, trước khi đột ngột giảm do các chính phủ đã nhanh chóng tăng lượng dự trữ.

Hợp đồng mua năng lượng giao tương lai hiện ở mức 55 euro, tức là vẫn cao gấp đôi so với trước khi bùng phát đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, mức giảm nói trên vẫn chưa tác động được đến các hóa đơn năng lượng của hộ gia đình vì các nhà cung cấp đã mua sỉ nhiều tháng trước đó, khiến người tiêu dùng vẫn đang phải vật lộn để chi trả vì lạm phát tăng chóng mặt.

Một số chuyên gia phân tích dự báo phải mất nhiều năm nữa mới trở lại mức giá bình thường.

Ông Fabian Skarboe Ronningen, chuyên gia phân tích thị trường tại Rystad Energy, cho biết: “Mọi người đã bắt đầu lo đến mùa Đông 2023/2024.”

Theo ông, châu Âu sẽ vẫn phụ thuộc nhiều vào LNG trong năm 2023 vì đây là năm đầu tiên chứng kiến lượng nhập khẩu từ Nga rất thấp suốt cả năm. Và nếu nhu cầu của châu Á phục hồi, “cuộc cạnh tranh LNG giữa châu Âu và châu Á thậm chí sẽ khó khăn hơn, có thể đẩy giá cao hơn hiện nay”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục