Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 7h00 ngày 17/10 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 39.564.567 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.108.600 ca tử vong.
Số bệnh nhân hồi phục hiện nay là 29.643.405 người.
Mỹ đang là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới. Xếp sau Mỹ là Ấn Độ và Brazil.
Tiệc sinh nhật "siêu lây nhiễm tại Mỹ"
Tại Mỹ, trong những tuần gần đây, số ca mắc COVID-19 tại bang New York đã tăng vọt. Đáng chú ý, một bữa tiệc sinh nhật với chủ đề "Tuổi 16 ngọt ngào" tại bang New York đã trở thành vụ "siêu lây nhiễm" khi hàng chục người tham gia có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Bữa tiệc sinh nhật trên được tổ chức vào ngày 25/9 tại nhà hàng sang trọng Miller Place Inn trên đảo Long Island, với hơn 80 người tham dự, vượt quá quy định giới hạn việc tụ tập tối đa 50 người của bang New York.
Có tới 37 người đã mắc COVID-19 tại bữa tiệc này và hơn 270 người đã phải cách ly. Hiện nhà hàng Miller Place buộc phải đóng cửa tạm thời và bị phạt 12.000 USD vì vi phạm quy định chống dịch.
Hơn một nửa châu Âu phải "dán nhãn đỏ"
Trong khi đó, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp ở châu Âu khi hơn 50% các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), cùng với Anh, đã phải dán nhãn màu đỏ trên bản đồ cảnh báo mới của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC).
Theo ECDC, có tới 17 trong số 31 nước mà cơ quan này theo dõi, có số ca mắc trung bình trong 14 ngày qua là trên 50 ca/100.000 dân mỗi ngày. Nhiều nước châu Âu thông báo ghi nhận số ca nhiễm lên mức cao nhất trong 1 ngày trong đó có Thụy Sĩ, Ukrane và Croatia và Litva
Trong 24 giờ qua, Thụy Sĩ đã ghi nhận thêm 2.600 ca mắc COVID-19 - mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Hiện tổng số bệnh nhân COVID-19 tại quốc gia 8,5 triệu dân này hiện là 71.140 người, trong đó 1.817 người đã tử vong, tương đương với tỷ lệ 832 ca mắc và 21 ca không qua khỏi trên 100.000 dân. Dự kiến, Chính phủ Thụy Sĩ sẽ họp xem xét vấn đề áp đặt các biện pháp hạn chế mới để kiểm soát dịch bệnh hay không.
Ukraine cũng thông báo có thêm 5.992 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, đưa tổng số ca mắc lên tới 287.231 ca, trong đó có 5.394 ca tử vong. Kể từ đầu tháng này, hầu hết ngày nào Ukraine cũng ghi nhận số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trung bình trên 5.000 ca.
Trước tình trạng số ca lây nhiễm đang gia tăng mạnh, chính phủ nước này đang lên kế hoạch gia hạn các biện pháp phong tỏa cho tới cuối năm nay.
Trong khi đó, Croatia lần đầu tiên ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày vượt ngưỡng 1.000 ca. Cụ thể đã có thêm 1.313 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua tại quốc gia Đông Nam Âu này, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 23.665 ca, trong đó có 345 ca tử vong.
Litva cũng ghi nhận thêm 255 ca mắc COVID-19, đưa tổng số ca mắc tại quốc gia Đông Bắc châu Âu lên 6.760 ca, bao gồm cả 110 ca tử vong và 2.983 ca được chữa khỏi bệnh. Đây là số ca mắc mới trong ngày cao nhất tại Litva kể từ khi nước này xác nhận ca mắc đầu tiên cuối tháng 2 năm nay.
Đó là chưa kể nhiều nước khác vẫn ghi nhận số ca mắc mới tăng cao như Tây Ban Nha là 13.300 ca mắc và 140 trường hợp tử vong, còn Ba Lan là 7.705 ca mắc và 132 người tử vong.
Điện Kremlin đã bày tỏ lo ngại về tình trạng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Nga, song cho rằng tình hình vẫn trong tầm kiểm soát. Trong 24 giờ qua, Nga đã ghi nhận thêm 15.150 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại toàn bộ 85 chủ thể liên bang.
Cũng trong 24 giờ qua, đã có thêm 232 ca tử vong, Như vậy tổng số ca mắc và tử vong do COVID-19 tại Nga lần lượt là 1.369.313 ca và 23.723 ca.
Đáng quan ngại, nhiều quan chức cấp cao châu Âu tự cách ly. Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết bà quyết định rời Hội nghị thượng đỉnh EU kéo dài 2 ngày tại Brussels (Bỉ) để tự cách ly sau khi tham dự một cuộc họp trong tuần này với một nghị sỹ Phần Lan mới đây có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Thủ tướng Ba Lan cũng không tham dự hội nghị do đang tự cách ly ở Vácsava và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng rời khỏi cuộc họp ngay sau khi khai mạc hôm 15/10 do một nhân viên của bà có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Bỉ Sophie Wilmes cho biết bà sẽ thực hiện cách ly do có những triệu chứng mắc COVID-19. Thông báo này được đưa ra 4 ngày sau khi bà Wilmes tham dự cuộc thảo luận trực tiếp giữa ngoại trưởng các nước EU ở Luxembourg.
Trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tiếp tục gia tăng, một số nước đã siết chặt các biện pháp phòng chống dịch.
Cụ thể, Serbia ngày 16/10 đã yêu cầu người dân buộc phải đeo khẩu trang vào mọi lúc khi rời khỏi nhà và ban hành một số biện pháp khác nhằm ứng phó với tình trạng lây nhiễm.
Cùng ngày, vùng Kozani đông dân cư ở miền Bắc Hy Lạp đã bị áp đặt trở lại lệnh phong tỏa sau khi ghi nhận hàng trăm ca nhiễm mới trong tháng này. Các biện pháp hạn chế này sẽ vẫn có hiệu lực cho đến ngày 29/10.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, sau hơn 4 giờ tranh luận căng thẳng, Ủy ban COVID-19 của Bỉ đã ban hành một loạt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt kể từ ngày 19/10 nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh vốn đe dọa gây ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về y tế tại “trái tim của châu Âu” này.
Theo quy định mới được Chính phủ ban bố, mỗi cá nhân chỉ được phép tiếp xúc gần với một người ngoài thành viên trong gia đình của mình. Ngoài ra, mỗi 2 tuần, mỗi gia đình chỉ được phép mời tối đa 4 người tới nhà riêng, nhưng phải tuân thủ các quy định về phòng dịch (khoảng cách an toàn 1,5m và phải đeo khẩu trang). Làm việc từ xa sẽ là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các lĩnh vực có thể thực hiện được.
Chiều 16/10, truyền thông Đức đưa tin, Chủ tịch Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) Lothar Wieler, đã đề nghị phong tỏa đối với các điểm nóng dịch COVID-19 và Chính phủ Đức coi đề xuất này như là một biện pháp khả thi trong cuộc chiến chống lại đại dịch, tuy nhiên, vẫn chưa có kế hoạch cụ thể để triển khai.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Đức cùng ngày cũng cảnh báo người dân không thực hiện các chuyến đi không cần thiết tới Pháp, Hà Lan, Malta và Slovakia từ ngày 17/10 tới vì những quốc gia này có tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 cao.
Tại Ba Lan, Thủ tướng Mateusz Morawiecki đã yêu cầu người dân ở nhà nếu có thể khi ông thông báo một loạt biện pháp hạn chế tại các thành phố lớn nhằm ngăn chặn sự tăng vọt các ca nhiễm mới trong thời gian gần đây. Người đứng đầu chính phủ Ba Lan cũng khuyến khích người dân làm việc tại nhà.
Chính phủ Anh đã yêu cầu tự cách ly đối với những người đến từ Italy, trong khi Đức ban hành cảnh báo đi lại với một loạt nước, còn Ba Lan áp đặt lệnh phong tỏa từng khu vực.
Theo đó, những người đến Anh từ Italy, San Marino và Vatican sẽ phải thực hiện tự cách ly trong vòng 14 ngày bắt đầu từ 4h sáng giờ địa phương ngày 18/10 (10h cùng ngày, giờ Việt Nam). Tuy nhiên, những người đến vùng England từ đảo Crete của Hy Lạp sẽ không còn phải thực hiện tự cách ly.
Dịch bệnh COVID-19 tại châu Á có xu hướng gia tăng trở lại
Tại Indonesia, trong 24 giờ qua đã có thêm 4.301 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 353.461 ca và với 79 ca tử vong mới. Hiện Indonesia ghi nhận tổng cộng 12.347 ca tử vong và nước này đang có số ca mắc và tử vong cao nhất tại khu vực Đông Nam Á.
Tại Philippines, với 3.139 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, tổng số ca mắc tại nước này đã lên tới 351.750 ca, trong đó 6.531 ca tử vong. Thủ đô Manila đứng đầu trong số các khu vực có số ca mắc COVID-19 tính theo ngày cao nhất. Chỉ trong vòng 24 giờ qua, Manila đã ghi nhận 1.003 ca mắc COVID-19 mới.
Trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, Hàn Quốc tiếp tục gia hạn cảnh báo đi lại đặc biệt, trong khi Singapore quyết định mở rộng công tác xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Đây là lần thứ 4 Hàn Quốc gia hạn cảnh báo đi lại đặc biệt đối với tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ. Cảnh báo này sẽ kéo dài đến ngày 17/11 tới.
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, hãng thông tấn PTI ngày 16/10 dẫn nguồn Bộ Y tế Ấn Độ đưa tin tỷ lệ tử vong do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Ấn Độ là 1,52%, thấp nhất kể từ khi nước này bắt đầu áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc hôm 22/3.
Theo bộ trên, kể từ ngày 4/10 đến nay quốc gia Nam Á đông dân thứ hai thế giới đều ghi nhận mức tử vong dưới 1.000 ca/ngày và tỷ lệ tử vong do dịch bệnh tại nước này là 81 người/1 triệu dân.
Trung Đông: Liban ghi nhận số ca mắc mới theo ngày cao nhất
Riêng Liban ghi nhận số ca mắc mới theo ngày cao nhất từ khi dịch bùng phát, với 1.550 ca, đưa tổng số ca mắc tại quốc gia Trung Đông này lên 58.745 ca, trong đó số ca tử vong tại Liban là 501.
Các thông tin về vắcxin điều trị COVID-19
Liên quan đến vắcxin và thuốc điều trị COVID-19, Trung Quốc cho biết một trong những “ứng viên” vắcxin tiềm năng hàng đầu của nước này đã chứng tỏ an toàn và tạo ra phản ứng miễn dịch trong cuộc thử nghiệm giai đoạn I và II ở người.
Vắcxin tiềm năng có tên gọi BBIBP-CorV do Viện Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Tập đoàn Biotec quốc gia (CNBG) của Trung Quốc bào chế. Kết quả nghiên cứu cho thấy vắcxin thử nghiệm không gây tác dụng phụ nghiêm trọng mà chỉ tạo ra những phản ứng phụ ở mức nhẹ hoặc vừa phải như đau ở chỗ tiêm và sốt.
Tuy nhiên, hiệu quả của vắcxin trên sẽ trở nên rõ ràng chỉ khi các nhà nghiên cứu hoàn tất cuộc thử nghiệm giai đoạn III đang được tiến hành ở bên ngoài Trung Quốc.
Trong khi đó, Tập đoàn đa quốc gia Fujifilm cho biết một trong những công ty con của tập đoàn đã đệ đơn lên Chính phủ Nhật Bản để xin cấp phép cho sử dụng thuốc kháng virus Avigan để điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại nước này.
Tháng trước, hãng dược phẩm Fujifilm Toyama Chemical thông báo đã hoàn tất giai đoạn 3 của cuộc thử nghiệm lâm sàng đối với thuốc Avigan, bắt đầu hồi tháng 3.
Đối với những bệnh nhân sử dụng thuốc Avigan, thời gian phục hồi là 11,9 ngày, sớm hơn so với thời gian là 14,7 ngày đối với những người dùng giả dược. Quá trình thử nghiệm lâm sàng cũng chưa xuất hiện những lo ngại mới về tính an toàn, ngoài những tác dụng phụ đã được chỉ ra trước đây.
Nếu được các cơ quan chức năng của Nhật Bản chấp thuận, đây sẽ là loại thuốc thứ ba được Nhật Bản cấp phép sử dụng trong phác đồ điều trị bệnh COVID-19, sau thuốc Remdesivir và Dexamethasone./.