Các nước châu Á mong muốn một Trung Quốc như thế nào?

Trong khi các quốc gia châu Á vẫn do dự, ngần ngại khi lên “cỗ xe ngựa cùng với Mỹ,” thì cũng rất sai lầm khi kết luận rằng phần lớn khu vực châu Á hiện “chọn phe,” đứng về phía Trung Quốc.
Các nước châu Á mong muốn một Trung Quốc như thế nào? ảnh 1Góc nhìn từ châu Âu đối với Trung Quốc đã chuyển sang trạng thái tiêu cực. (Nguồn: asiabriefing.com)

Ngày 27/7, tờ StraitsTimes đăng bài viết của Phó Giáo sư Simon Tay, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Vấn đề Quốc tế Singapore (SIIA), về những kỳ vọng mà các nước châu Á mong muốn đối với Trung Quốc, nội dung như sau:

Danh sách các thách thức của Trung Quốc rất dài và liên quan đến nhiều yếu tố, chứ không chỉ là các điều kiện trong nước. Ngoài ra, môi trường bên ngoài cũng không được thuận lợi, bao gồm cả yếu tố kinh tế toàn cầu rối ren và chi phí lương thực, năng lượng tăng cao.

Thêm nữa là hậu quả từ việc các chuỗi cung ứng, khoa học kỹ thuật công nghệ, thương mại và đầu tư bị gián đoạn, đổ vỡ bắt nguồn từ cạnh tranh căng thẳng Mỹ-Trung Quốc.

Nhìn chung, góc nhìn từ châu Âu đối với Trung Quốc đã chuyển sang trạng thái tiêu cực, ngay cả trong số các chính phủ tại châu Âu vốn đã từng có thời gian hoan nghênh chào đón Trung Quốc công khai.

[Trung Quốc trước một Australia ngày càng quyết đoán ở Biển Đông]

Trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine vẫn đang diễn ra, câu chuyện ở đây không chỉ là vấn đề về Nga mà còn là về việc Trung Quốc là người bạn “không có giới hạn” của Nga và thậm chí có thể là “người cho phép” điều đó.

Trong khi đó, đối với các quốc gia châu Á, quan điểm, góc nhìn có sự đa dạng hơn. Nhiều quốc gia vẫn đang hy vọng về một sự hợp tác kinh tế với Bắc Kinh trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, nhưng vẫn có những khoảng cách khác biệt trong sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau.

Trung Quốc là đối tác quan trọng và thường xuyên có “sự tiếp xúc, tiếp cận” với hầu hết các nước trong khu vực, với Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị là một vị khách rất quen mặt. Trung Quốc thường đề cập đến các tầm nhìn được chia sẻ cũng như biểu tượng của tình bạn bền chặt và gắn bó.

Chẳng hạn gần đây, khi ông Vương Nghị đến Manila để gặp tân Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr., ông đã rất cố gắng để mặc một chiếc áo barong truyền thống của Philippines.

Những điều nhỏ nhặt nhưng tinh tế như vậy đã được đánh giá cao, nhưng vẫn có rất nhiều những điểm nhức nhối, gai góc liên quan đến Bắc Kinh trong khu vực. Đó có thể là về "lợi ích cốt lõi" mà Trung Quốc đã tuyên bố, hoặc liên quan đến các điều khoản yêu cầu khi đưa ra các khoản vay và hỗ trợ.

Trung Quốc đôi khi có thể rất hào phóng, nhưng cũng có động thái trừng phạt - thường là bằng cách điều chỉnh khả năng tiếp cận vào thị trường rộng lớn của nước này.

Nền kinh tế của Trung Quốc được sử dụng để “quyến rũ, lôi kéo” song cũng có thể là để trừng phạt và gây hại. Cũng có không ít các trường hợp khi chiến thuật "chiến lang" được sử dụng để giáng đòn vào các quốc gia châu Á.

Các cuộc khảo sát cũng cho thấy rằng trong khi vẫn có sức ảnh hưởng lớn, Trung Quốc cũng đồng thời lại là cường quốc ít được tin tưởng nhất. Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Singapore (ISEAS Yusof Ishak) cho thấy sự không tin tưởng vào Trung Quốc trong khu vực đã tăng từ 51,5% vào năm 2019 lên 63% vào năm 2021, và năm nay tỷ lệ này vẫn neo ở mức cao 58,1%.

Điều này đang đi ngược lại với những nỗ lực của Trung Quốc trong việc cung cấp, hỗ trợ vaccine ngừa COVID-19. Trong khi các quốc gia châu Á vẫn do dự, ngần ngại khi lên “cỗ xe ngựa cùng với Mỹ,” thì cũng rất sai lầm khi kết luận rằng phần lớn khu vực châu Á hiện “chọn phe,” đứng về phía Trung Quốc.

Nói chính xác hơn là họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục đối trọng với Bắc Kinh. Trong công cuộc này, các nước này không thể ngây thơ hay bị lung lay chỉ bởi những hành động mang tính biểu tượng như việc cố gắng mặc chiếc áo truyền thống barong của ông Vương Nghị.

Các nước này lắng nghe những gì các nhà lãnh đạo Trung Quốc nói, nhưng phải theo dõi kỹ hơn những gì Trung Quốc làm.

Các nghiên cứu về các dự án thuộc sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) ở ASEAN cho thấy chính phủ các nước tiếp nhận và các đối tác tại địa phương có thể làm cho các dự án này trở nên hợp lý hơn về quy mô và mục đích. Nếu không, các dự án này có thể tạo điều kiện cho các hành vi tham nhũng và thậm chí khiến cho các khoản nợ trở nên lớn hơn.

Cân nhắc lại sự hỗ trợ, viện trợ

Có những điều mà các nước châu Á có thể mong muốn nhìn thấy từ Trung Quốc. Đầu tiên có thể là về sự hỗ trợ, giúp đỡ, viện trợ nói chung và về sáng kiến "Vành đai Con đường" (BRI) nói riêng.

BRI chắc chắn sẽ được hoan nghênh vì đã nêu bật sự cần thiết của cơ sở hạ tầng trên toàn khu vực, thậm chí ngay cả khi hoạt động của sáng kiến này đã có sự chậm lại trong những năm COVID-19.

Một sự chào đón hoan nghênh khác nữa là việc Trung Quốc đã mời các đối tác xem xét việc làm thế nào để hướng tới các dự án BRI xanh. Một Sáng kiến Phát triển Toàn cầu mới hiện đang hình thành để giúp các quốc gia đạt được các mục tiêu bền vững.

Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB), do Trung Quốc dẫn dắt, đã tiến hành không ít các dự án được chào đón - với các đối tác đa phương và một quy trình tương tự như các ngân hàng phát triển khác.

Từ các ví dụ tích cực đó, Trung Quốc có thể suy nghĩ lại và tái cân nhắc, điều chỉnh sự hỗ trợ, viện trợ và cấp vốn vay của mình trong bối cảnh triển vọng kinh tế hiện đang hỗn loạn.

Một sự xem xét lại cũng là kịp thời, xuất phát từ những gì đã xảy ra ở Sri Lanka bởi đối với một số người, Sri Lanka cho thấy những rủi ro tiềm ẩn từ các khoản vay của Trung Quốc.

Trong khi đang chứng kiến một loạt các yếu tố góp phần vào cuộc khủng hoảng thì chính quyền cựu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa lại thực hiện các dự án lớn như dự án cảng Hambantota, gây thêm áp lực lên ngân sách quốc gia, và sau đó khiến Sri Lanka không trả được các khoản nợ của nước này.

Thương mại dựa trên luật lệ

Mong muốn thứ hai liên quan đến thương mại, lĩnh vực mà Trung Quốc là đối tác lớn nhất trong khu vực. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cho biết họ tuân thủ các quy tắc quốc tế và sự tham gia của họ là một chìa khóa để hoàn tất Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), hiệp định do ASEAN dẫn đầu.

Tuy nhiên, đồng thời xuất khẩu sang Trung Quốc đôi khi lại bị hạn chế và không phải lúc nào cũng tuân thủ các quy tắc. Những trường hợp về rượu vang, linh kiện xe hơi và chuối của Australia, Hàn Quốc và cả Philippines là các ví dụ rõ nét.

Với việc cả ba quốc gia này đều đã có các chính phủ mới, chắc chắn các diễn biến đang được theo dõi rất kỹ lưỡng.

Australia hy vọng sẽ "ổn định" mối quan hệ ngày càng gay gắt với Bắc Kinh. Điều này không có nghĩa là thiết lập lại tất cả các quy tắc, nhưng Canberra hy vọng rằng vấn đề hàng rào thương mại áp đặt từ năm 2020, ảnh hưởng đến khoảng 20 tỷ đôla Australia (AUD) hàng hóa xuất khẩu của nước này, sẽ được giải quyết.

Đối với Hàn Quốc, Tổng thống Yoon Suk-yeol đã kêu gọi sự tôn trọng bình đẳng giữa hai nước với tư cách là các quốc gia có chủ quyền.

Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc và với tầm ảnh hưởng trong vấn đề Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Trung Quốc đã từng được “ưu ái” ở Seoul.

Tuy nhiên, sau những siết chặt nghiêm ngặt về kinh tế, giới tinh hoa và dư luận Hàn Quốc đã chuyển sang tiêu cực và các nỗ lực đang được thực hiện để xoay chuyển các chuỗi sản xuất và cung ứng của Hàn Quốc sang Mỹ, đặc biệt là đối với các sản phẩm chip công nghệ cao.

Không phải tất cả các vấn đề đều có thể được giải quyết. Tuy nhiên, nỗ lực để khởi động lại đối thoại về các vấn đề gây tranh cãi nên được tiến hành, ít nhất là để kiềm chế căng thẳng. Một động thái như vậy sẽ được đón nhận nồng nhiệt và không chỉ bởi những quốc gia có liên quan trực tiếp.

Những quốc gia khác khi nhìn vào sẽ thấy được các tín hiệu về ý định và thái độ của một Trung Quốc hùng mạnh. Những nỗ lực này cũng có thể giúp tạo điều kiện thuận lợi cho RCEP - trong đó tất cả đều là thành viên - tiến tới hợp tác kinh tế.

Sự hợp tác với những hạn chế

Rất ít quốc gia có thể cắt đứt quan hệ kinh tế với Trung Quốc, hoặc không bị ảnh hưởng. Điều này đúng ngay cả với Mỹ và hơn thế nữa là đối với những nước khác ở châu Á, nơi các mối liên kết thương mại và sản xuất diễn ra rất dày đặc và sâu sắc. Hầu hết các quốc gia châu Á nhận ra sự phụ thuộc lẫn nhau này và đã trở nên thực tế hơn.

Nhìn chung, châu Á đã không cố gắng gây sức ép để thuyết phục Trung Quốc. Ngược lại, châu Á cũng cần Trung Quốc hiểu rằng việc ép buộc kinh tế không có tác dụng trong dài hạn và lòng tin của các quốc gia châu Á khác đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải được củng cố.

Ngay cả một Trung Quốc hùng mạnh cũng cần có bạn bè và các đối tác. Việc có một nền tảng hợp tác vững chắc, vốn đã được xây dựng từ cuối những năm 1990, là một điểm tích cực. Tuy nhiên, những mối quan hệ này không cần được đóng khung như là “một gia đình” hay là một tình bạn "không có giới hạn."

Trên thực tế, sẽ là tốt hơn nếu các giao dịch, thỏa thuận giữa Trung Quốc và các nước láng giềng được mô tả là có giới hạn, với những kỳ vọng hợp lý, phù hợp và dựa trên quy tắc tới từ tất cả các bên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục