Trong bối cảnh các nước trên thế giới đang nỗ lực chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra, những thông sai lệch cũng được lan truyền với tốc độ chóng mặt, đặc biệt trên mạng xã hội.
Tại châu Á, giới chức các nước đang triển khai những biện pháp cứng rắn nhằm xử lý các đối tượng tung các tin đồn thất thiệt và thông tin sai lệch về đại dịch COVID-19 gây hoang mang dư luận.
Theo cuộc điều tra của hãng tin AFP (Pháp), hàng trăm đối tượng đã bị bắt giữ trên khắp châu Á vì đăng tải những thông tin sai lệch về virus SARS-CoV-2.
AFP cho biết căn cứ vào báo cáo của cảnh sát các nước, đã có ít nhất 266 đối tượng bị bắt giữ vì đăng tải các thông tin sai lệch liên quan tới virus SARS-CoV-2 tại 10 nước châu Á, từ Thái Lan cho tới Ấn Độ và Mông Cổ.
[Facebook thiếu người kiểm duyệt trong cuộc chiến chống lại tin giả]
Nhà chức trách các nước cho rằng việc xử lý hình sự là cần thiết nhằm ngăn chặn việc phát tán các thông tin về những phương pháp chữa trị và phòng ngừa dịch COVID-19 vô căn cứ, cũng như các thuyết âm mưu mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mô tả là “đại dịch thông tin” gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.
Hiện nhiều quốc gia ở châu Á đã ban hành những đạo luật nghiêm khắc, cùng các biện pháp quyết liệt nhằm dập tắt nạn tin giả.
Tại Thái Lan, nước này đã thông qua một sắc lệnh tình trạng khẩn cấp vào cuối tháng 3 vừa qua, qua đó cho phép truy tố hình sự đối với hành vi chia sẻ thông tin sai lệch về dịch COVID-19 trên mạng Internet dẫn tới sự hoang mang và sợ hãi của xã hội.
Theo Đạo luật tội phạm máy tính, những người vi phạm có nguy cơ bị phạt tối đa 5 năm tù giam.
Philippines gần đây cũng thông qua đạo luật khẩn cấp nhằm trao thêm quyền hạn cho nhà chức trách trong nỗ lực chống dịch, trong đó cho phép bắt giữ những người chia sẻ các thông tin thất thiệt về dịch COVID-19.
Tại Ấn Độ, cảnh sát đã tiến hành bắt giữ gần 100 người vì phát tán các thông tin sai lệch về virus SARS-CoV-2 theo luật hình sự hiện hành và luật xử lý thảm họa với các hình phạt lên tới 1 năm tù giam./.