Các nước châu Á chia sẻ kinh nghiệm phòng HIV

Hội nghị khu vực về “Dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV cho người tiêm chích ma túy" diễn ra ngày 7/11 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Hội nghị khu vực về “Dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV cho người tiêm chích ma túy" diễn ra ngày 7/11 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hơn 100 đại biểu là các quan chức chính phủ, đại diện các tổ chức dân sự, tổ chức đa phương, các chuyên gia trong lĩnh vực y tế, phòng chống AIDS, phòng chống ma túy của Việt Nam, Hoa Kỳ và 11 quốc gia Đông Nam Á, Nam Á và Đông Á đã tham dự hội nghị.

Hội nghị do Văn phòng điều phối Chương trình AIDS toàn cầu của Hoa Kỳ phối hợp với các cơ quan hữu quan của Việt Nam tổ chức, diễn ra từ 7-10/11, là dịp cung cấp các thông tin khoa học cập nhật về các kinh nghiệm hay, bài học được rút ra và tác động của việc cung cấp các dịch vụ dự phòng HIV và chăm sóc cho nhóm tiêm chích ma túy trong khu vực.

Hội nghị sẽ tập trung vào việc chia sẻ các công cụ và thông tin giúp vận động và mở rộng các dịch vụ hỗ trợ người tiêm chích ma túy ở khu vực Đông Nam Á và Nam Á; cách ứng phó của từng quốc gia và cộng đồng quốc tế đối với vấn đề này, các chính sách phù hợp và kinh nghiệm thực tiễn từ các quốc gia cũng được chia sẻ tại diễn đàn lần này.

Hội nghị tập trung vào các chủ đề thách thức trong phòng chống HIV cho nhóm người nghiện chích ma túy; tình hình sử dụng ma túy và dịch HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy hiện nay; lây nhiễm qua đường tình dục trong nhóm nghiện chích ma túy - các hành vi nguy cơ cao; mô hình chính sách đối với việc thực hiện và mở rộng các hoạt động dự phòng HIV dựa vào quyền con người; các hoạt động tiếp cận cộng đồng dành cho nhóm nghiện chích ma túy; mở rộng điều trị bằng dùng thuốc thay thế...

Phát biểu tại phiên khai mạc, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông David Shear nhấn mạnh hội nghị quan trọng này sẽ đặt nền móng cho quá trình hoạch định, thiết lập các biện pháp can thiệp bền vững và hiệu quả cho người tiêm chích ma túy và có nguy cơ lây nhiễm HIV.

Về phía Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ từ PEPFAR cho đề án phòng chống AIDS quốc gia với tổng kinh phí hỗ trợ đến nay đã lên tới 400 triệu USD, cùng sự hỗ trợ về kỹ thuật và chuyên gia.

Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, cam kết sử dụng hiệu quả các nguồn tài trợ và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình với các nước./.

Hoàng Liên Sơn (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục