Các nước cam kết viện trợ hơn 110 triệu USD cho người tị nạn Palestine

Hơn 110 triệu USD đã được cam kết gửi tới Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA) tại một hội nghị tổ chức ở trụ sở Liên hợp quốc.
Người tị nạn Palestine bên ngoài trụ sở UNRWA tại thành phố Gaza ngày 15/3. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Người tị nạn Palestine bên ngoài trụ sở UNRWA tại thành phố Gaza ngày 15/3. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Ngày 25/6, hơn 110 triệu USD đã được cam kết gửi tới Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA) tại một hội nghị tổ chức ở trụ sở Liên hợp quốc nhằm thảo luận các biện pháp hỗ trợ UNRWA - vốn đang lâm vào khó khăn sau khi Mỹ cắt toàn bộ tài trợ hồi năm ngoái.

Hội nghị có sự tham dự của khoảng 35 nước, trong đó đa số là các quốc gia châu Âu và Arab, với những khoản cam kết đóng góp lớn nhất đến từ Liên minh châu Âu (EU) (23,7 triệu USD), Đức và Anh.

Giám đốc UNRWA Pierre Kraehenbuehl đã hoan nghênh cam kết viện trợ 110 triệu USD nêu trên, đồng thời nhấn mạnh rằng "một khoản tiền quan trọng" này sẽ giúp UNRWA trang trải chi phí hoạt động cho những tháng tới và tránh được khủng hoảng ngân sách.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết cơ quan này vẫn sẽ phải tìm kiếm thêm các nguồn tài trợ để bù đắp thiếu hụt trong tổng số ngân sách cam kết tài trợ 1,2 tỷ USD vào tháng 9 tới.

[Palestine cáo buộc Mỹ châm ngòi cuộc chiến chính trị, tài chính]

Hồi năm ngoái, UNRWA cũng đã phải dựa vào các khoản tiền bổ sung từ các nước thành viên và các khoản tiết kiệm nội bộ để bù đắp lỗ hổng trị giá 446 triệu USD trong tổng ngân sách 1,2 tỷ USD.

UNRWA được thành lập vào năm 1949 để cung cấp các dịch vụ giáo dục và chăm sóc y tế đối với gần 5,4 triệu người tị nạn Palestine sinh sống tại Jordan, Liban, Syria, khu Bờ Tây và Dải Gaza.

Tuy nhiên, Israel và Mỹ không nhất trí với quan điểm của UNRWA rằng những người tị nạn Palestine có thể truyền lại quy chế tị nạn cho đời con cháu của họ ngay cả khi những thế hệ này được sinh ra tại các quốc gia khác và có quyền công dân ở đó - khiến dân số người tị nạn Palestine vì thế tăng lên mỗi năm. Theo đó, Israel và Mỹ muốn giảm số người được nhận trợ giúp từ UNRWA.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump hồi năm ngoái đã quyết định cắt nguồn quỹ tài trợ hằng năm cho UNRWA, trong một động thái mà Thủ tướng Palestine Mohammad Ishtaye cáo buộc rằng Mỹ và Israel đang “tiến hành cuộc chiến tài chính nhằm vào chính quyền và người dân Palestine.”

Trong khi đó, cố vấn của Mỹ về vấn đề Trung Đông Jason Greenblatt tháng trước đã phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc rằng nên "khai tử" UNRWA và các công tác của cơ quan này nên được chuyển giao cho các nước cứu trợ người tị nạn Palestine và các tổ chức phi chính phủ.

Hội nghị thảo luận các biện pháp hỗ trợ UNRWA của Liên hợp quốc được tổ chức đúng vào ngày chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố nội dung kinh tế trong đại kế hoạch hòa bình Trung Đông tại diễn đàn do Mỹ khởi xướng mang tên "Từ hòa bình tới thịnh vượng" diễn ra tại Bahrain.

Phía Palestine đã tẩy chay sự kiện này, tái khẳng định lập trường bác bỏ kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ với quan điểm cho rằng kế hoạch này đã thiên vị Israel và không giải quyết được những vấn đề cốt lõi trong cuộc xung đột Israel - Palestine.

Nhiều quốc gia khác trong khu vực như Israel hay Iraq và Liban cũng đã không tham dự hội nghị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục