Các nước cam kết tăng chống biến đổi khí hậu

Ngày 26/2, các nước thành viên Liên hợp quốc đã cam kết tăng cường phối hợp phản ứng toàn cầu trước các thách thức về môi trường.
Ngày 26/2, các nước thành viên Liên hợp quốc đã cam kết tăng cường phối hợp phản ứng toàn cầu trước các thách thức lớn về môi trường và phát triển mang tính thời đại hiện nay.

Cam kết được đưa ra trong Tuyên bố kết thúc khóa họp đặc biệt lần thứ 11 Hội đồng quản trị Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Diễn đàn các bộ trưởng môi trường toàn cầu tại Nusa Dua (Indonesia).

Tuyên bố Nusa Dua được Liên hợp quốc coi là sự kiện lịch sử đầu tiên trong vòng một thập kỷ qua của các bộ trưởng môi trường toàn cầu đã nhấn mạnh vai trò sống còn của đa dạng sinh học, nhu cầu khẩn cấp chống biến đổi khí hậu và đạt được hiệp ước toàn cầu chống biến đổi khí hậu.

Các bộ trưởng môi trường toàn cầu khẳng định quyết tâm chung thúc đẩy phát triển bền vững theo hướng nền kinh tế xanh đồng thời phối hợp hành động để bảo vệ sức khỏe chung của nhân loại.

Tuyên bố nêu bật sự cần thiết cải thiện quản lý môi trường toàn cầu hiện đang bị coi là quá phức tạp và manh mún, đồng thời nhất trí hành động ưu tiên trong các lĩnh vực hóa chất, chất thải độc hại và sức khỏe con người theo tinh thần các Công ước Basel, Rotterdam và Stockholm tương ứng của Liên hợp quốc.

Tổng Giám đốc UNEP Achim Steiner nhấn mạnh các nước đã nói tiếng nói chung thống nhất, rõ ràng và dứt khoát về nhu cầu phải thay đổi trong phương thức hành động quốc tế.

Ông nói, trước những thách thức mà tình trạng hủy hoại môi trường, ô nhiễm hóa chất và biến đổi khí hậu nói chung gây ra, các bộ trưởng môi trường đã thấy rõ sự cần thiết phải hành động khẩn cấp.

Ông cũng cho biết nỗ lực hướng tới nền kinh tế xanh - một bước đi vừa đáp ứng được nhiều thách thức, vừa nắm bắt được nhiều cơ hội - đang diễn ra mạnh mẽ ở nhiều nền kinh tế trên thế giới.

Hơn 1.000 đại biểu từ 130 quốc gia, trong đó có gần 100 bộ trưởng môi trường đã tham dự hội nghị hàng năm và diễn đàn cấp bộ trưởng ở Nusa Dua, Indonesia. Tuyên bố Nusa Dua, tuyên bố đầu tiên của các bộ trưởng môi trường kể từ hội nghị ở Malmo, Thụy Điển năm 2000, sẽ được trình lên Đại hội đồng Liên hợp quốc vào cuối năm nay.

Cùng ngày, các chuyên gia thuộc nhóm đặc nhiệm của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã công bố dự báo thời tiết cho biết nếu sự ấm lên của Trái Đất trong thế kỷ 21 tiếp tục diễn ra như hiện nay, tổng số các trận bão nhiệt đới trên thế giới có thể giảm hoặc vẫn như hiện nay nhưng cường độ sẽ tăng.

Tốc độ gió tối đa trong các trận bão sẽ tăng từ 2 đến 11%, mưa sẽ tăng khoảng 20% trong khu vực bán kính 100km kể từ tâm bão. Cường độ của các trận bão nhiệt đới tăng lên cũng có nghĩa là các trận bão có cường độ mạnh nhất sẽ không thường xuyên xảy ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục