Các nước bị cấm xuất khẩu sang Nga phải tìm kiếm thị trường mới

Các nước bị cấm xuất khẩu thực phẩm sang Nga, gồm EU, Mỹ, Canada, Australia và Na Uy, sẽ buộc phải định hướng lại sản xuất để xuất khẩu sang châu Á, Mỹ Latinh và các nước vùng Caribbean.
Một quầy bán hoa quả tại Moskva. Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các nước bị cấm xuất khẩu thực phẩm sang Nga (Liên minh châu Âu, Mỹ, Canada, Australia và Na Uy) sẽ buộc phải định hướng lại sản xuất để xuất khẩu sang các nước châu Á, khu vực Mỹ Latinh và các nước vùng Caribbean.

Đó là nhận định đưa ra ngày 8/8 của Tổ chức Lương nông Liên hợp quốc (FAO).

Theo hãng tin Nga ITAR-TASS, trong tuyên bố của mình, nhà kinh tế trưởng Conception Calpe của FAO cho rằng khó khăn lớn nhất của các nước bị cấm xuất khẩu sang Nga là chuyển hướng xuất khẩu rau quả, là mặt hàng có thời gian bảo quản ngắn.

Bên cạnh đó, Nga cũng sẽ phải tìm kiếm nhà cung cấp rau quả và sản phẩm sữa mới.

Trong lúc này, hãng phân tích thị trường Euromonitor cho biết, lệnh cấm của Moskva chỉ áp dụng đối với các sản phẩm mà Nga có thể sản xuất trong nước hoặc ít phụ thuộc hơn cả, cụ thể nhập khẩu các nhóm hàng bị áp lệnh cấm chỉ bằng 10% sản lượng các nhóm hàng đó tại Nga.

Ngày 7/8, Moskva đã áp lệnh cấm toàn diện đối với một số mặt hàng thực phẩm của 5 nước và khu vực nêu trên.

Theo số liệu của Hải quan Liên bang Nga, tổng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng bị cấm trên trong năm ngoái là khoảng 9,1 tỷ USD.

Trong động thái tìm kiếm giải pháp an toàn trong bối cảnh các nước phương Tây và Mỹ siết chặt lệnh trừng phạt Nga cũng như việc Moskva thực thi các biện pháp đáp trả, các nhà xuất khẩu của Cộng hòa Séc đang tìm kiếm những hướng đi mới cho xuất khẩu sản phẩm, trong đó kêu gọi khôi phục quan hệ thương mại với Iran, vốn là một bạn hàng lớn, song thị trường này đã bị đóng cửa hàng chục năm nay đối với Séc do những nguyên nhân chính trị.

Theo phóng viên TTXVN tại Prague, Phòng Kinh tế Cộng hòa Séc hiện đang chuẩn bị thực hiện sứ mệnh hợp tác đầu tiên mang tính lịch sử với Iran.

Dự kiến, chuyến khảo sát thị trường Iran sẽ được thực hiện vào tháng Chín tới.

Trong thành phần phái đoàn doanh nghiệp Séc tới Iran sẽ có các đại diện của hãng dệt may Veba, các giám đốc điều hành nhà máy ôtô Skoda ở Mlada Boleslav cũng như các công ty AZD, Tatra, SOR Libchavy, ERA, Inekon Group, Škoda Transportation, Sigmainvest và các hãng khác.

Ngày 8/8, Thủ tướng Moldova Yuri Lianke đã phải cam kết đền bù thiệt hại từ việc mất thị trường Nga để thuyết phục thành công các nhà sản xuất nông nghiệp nước này chấm dứt cuộc bãi công kéo dài vài ngày nay.

Theo đánh giá của chính phủ, thiệt hại gây ra cho các nhà sản xuất nông nghiệp trong nước do hậu quả lệnh cấm của Nga có thể lên tới 150 triệu USD.

Một nước thuộc Liên Xô cũ khác và ủng hộ biện pháp trừng phạt Nga của EU là Estonia thì đang có nguy cơ giảm đến 25% lượng xuất khẩu các chế phẩm từ sữa trong khi xuất khẩu sang thị trường Nga đang chiếm tới 19% tổng kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp của nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục