Các nước Balkan hoài nghi về kế hoạch giải quyết người di cư của EU

Các quốc gia Đông-Nam Âu đang đối mặt với làn sóng người di cư chưa từng thấy khiến họ hoài nghi về kế hoạch nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng này vừa được EU thông qua hồi cuối tuần trước.
Người di cư tới thị trấn Kljuc Brdovecki, biên giới Croatia-Slovenia bằng tàu hỏa ngày 24/10. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các quốc gia Đông-Nam Âu đang đối mặt với làn sóng người di cư chưa từng thấy khiến họ hoài nghi về kế hoạch nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng này vừa được Liên minh châu Âu (EU) thông qua hồi cuối tuần trước tại hội nghị thượng đỉnh hẹp ở Brussels (Bỉ).

Phát biểu với báo giới sau hội nghị trên, Thủ tướng Slovenia Miro Cerar nhấn mạnh nếu những cam kết đã đạt được trong hội nghị không được thực thi ngay từ ngày 26/10 thì tình hình sẽ không được cải thiện đáng kể. Trong trường hợp đó, theo ông Cerar, Slovenia sẽ tiếp tục làm theo cách của nước này.

Trước đó, Tổng thống Slovenia Borut Pahor cho biết nước này đang cân nhắc việc dựng hàng rào biên giới để ngăn chặn hàng nghìn người di cư từ nước láng giềng Croatia đổ về. Slovenia đã trở thành cửa ngõ chính vào khu vực tự do đi lại Schengen của EU sau khi Hungary đóng cửa biên giới phía Nam nước này với Croatia.

Trong khi đó, Tổng thống Macedonia Gjorge Ivanov cảnh báo quốc gia nhỏ bé vùng Balkan này - một điểm trung chuyển chủ chốt của người di cư - chỉ có thể tiếp đón tối đa là 2.000 người di cư nếu các nước hành lang EU đóng cửa biên giới. Ông nhấn mạnh Macedonia không có viện trợ tài chính và thiếu thông tin quan trọng vì nước này không phải là thành viên EU.

Thủ tướng Croatia Zoran Milanovic cho rằng kế hoạch của EU dưới sự trợ giúp của Cơ quan Kiểm soát biên giới EU (Frontex) có thể giúp kiểm soát tình hình, song cũng bày tỏ sự nghi ngại. Nếu dòng người di cư không thuận theo lộ trình từ Hy Lạp qua Macedonia để đến Serbia, rồi từ đó tiếp tục hành trình đến các nước Bắc Âu thì mọi chuyện lại tiếp diễn như cũ.

Căng thẳng càng tăng sau khi Bulgaria, Romania và Serbia cuối tuần qua cũng cảnh báo rằng có thể đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn việc nước họ có thể trở hành "vùng đệm" cho người di cư muốn vào châu Âu bị mắc kẹt tại đây.

Trước đó, tại cuộc gặp thượng đỉnh hẹp giữa lãnh đạo các nước nằm trên tuyến đường Balkan từ Thổ Nhĩ Kỳ đến biên giới Hungary và Slovenia cùng với ba nước không phải thành viên EU là Albania, Macedonia và Serbia, tại thủ đô Brussels (Bỉ), EU đã thông qua bản kế hoạch 17 điểm nhằm giải quyết tình hình dòng người di cư đang đổ về EU qua khu vực này.

Theo kế hoạch hành động, trước hết các nước nằm dọc tuyến di cư sẽ trao đổi thường xuyên thông tin về tình hình tại nước này và phối hợp hành động với nhau. Lãnh đạo các nước cũng nhất trí tăng các hỗ trợ cần thiết cho người di cư như nơi tạm trú, thức ăn, hỗ trợ y tế, nước uống và cải thiện điều kiện vệ sinh.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cho biết EU có kế hoạch bảo đảm tiếp nhận đến 100.000 người di cư tại các trạm trú chân dọc tuyến đường Balkan bắt đầu từ Hy Lạp.

Kể từ đầu năm đến nay, hơn 670.000 người đã tìm đến châu Âu, chủ yếu từ các nước có xung đột vũ trang như Syria, Iraq và Afghanistan, gây ra cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2. Trong đó, khoảng 3.000 người đã thiệt mạng trên con đường vượt biển Địa Trung Hải, nay khi mùa Đông đến, người di cư tập trung chủ yếu vào tuyến đường bộ và ngày càng làm dấy lên mối lo ngại họ sẽ phải chịu số phận tương tự trên tuyến đường Balkan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục