Các nước Bắc Âu công bố kế hoạch thiết lập hệ thống phòng không chung

Hệ thống phòng không Bắc Âu thống nhất được xây dựng để các nước có thể vận hành chung, dựa trên các phương thức và hướng dẫn hiện hành của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Các nước Bắc Âu công bố kế hoạch thiết lập hệ thống phòng không chung ảnh 1Binh sỹ thuộc Lực lượng Phòng vệ Phần Lan bên cạnh Hệ thống tên lửa đa phóng M270 trong cuộc diễn tập quân sự Cold Response 22 ở Setermoen, miền Bắc Na Uy, ngày 22/3/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 24/3, bốn quốc gia khu vực Bắc Âu là Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan và Đan Mạch đã công bố kế hoạch thiết lập một hệ thống phòng không Bắc Âu thống nhất, theo đó lực lượng không quân của 4 nước sẽ được tái tổ chức để liên kết chặt chẽ với nhau hơn, đồng thời có thể hợp nhất trong các hoạt động giám sát không phận.

Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn một thông cáo chung cho biết Tư lệnh Không quân của 4 nước trên đã ký một ý định thư vào tuần trước tại Căn cứ không quân Ramstein ở Đức, với sự chứng kiến của Tư lệnh Lực lượng Không quân Mỹ tại châu Âu (USAFE), Tướng James Hecker, nhằm tạo ra hệ thống phòng không chung của các nước Bắc Âu.

[Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng]

Hệ thống này được xây dựng để các nước có thể vận hành chung, dựa trên các phương thức và hướng dẫn hiện hành của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tư lệnh Không quân Đan Mạch, Thiếu tướng Jan Dam, xác nhận kế hoạch liên kết không quân của các nước Bắc Âu được đưa ra với mục đích giúp 4 nước có thể phối hợp nhịp nhàng trong các hoạt động không quân chung dựa trên các tiêu chuẩn của NATO.

Ngoài ra, các nước cũng sẽ điều chỉnh việc giám sát trên không để có quyền truy cập vào hệ thống dữ liệu radar của nhau.

Cũng theo lời của Tư lệnh Jan Dam, thông qua việc thiết lập hệ thống phòng không chung, 4 nước Bắc Âu sẽ có tổng cộng trên 400 máy bay chiến đấu. Trong số đó, Na Uy có 57 máy bay chiến đấu F-16 và 52 chiếc F-35; Phần Lan có 62 máy bay phản lực F/A-18 Hornet và 64 chiếc F-35; Đan Mạch có 58 chiếc F-16, 27 chiếc F-35; trong khi Thụy Điển có 90 máy bay phản lực Gripen.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ trong số này có bao nhiêu chiếc đang được đặt mua và bao nhiêu chiếc còn có thể vận hành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục