Các nước ASEAN đối mặt nhiều thách thức do biến đổi khí hậu

Theo chỉ số rủi ro toàn cầu, ba nước ASEAN nằm trong số những nước đối mặt với nguy cơ cao nhất trong giai đoạn 2000-2019 là Myanmar (xếp thứ 2), Philippines (thứ 4) và Thái Lan (thứ 9).
Các nước ASEAN đối mặt nhiều thách thức do biến đổi khí hậu ảnh 1Cảnh ngập lụt sau những trận mưa lớn tại Bekasi, Tây Java, Indonesia, ngày 22/2/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một báo cáo của Đại học Công nghệ Nanyang (NTU, Singapore) và Đại học Glasgow (Anh) công bố tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đã chỉ rõ mối đe dọa kinh tế do thảm họa khí hậu đối với khu vực Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nhấn mạnh những tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan tại khu vực này.

Biến đổi khí hậu làm giảm mức tăng trưởng GDP của ASEAN

Theo báo cáo, đến năm 2050, mức tăng trưởng GDP của ASEAN có nguy cơ giảm hơn 35% do tình trạng biến đổi khí hậu và các thảm họa thiên nhiên tác động nghiêm trọng đến các ngành chủ chốt như nông nghiệp, du lịch và ngư nghiệp, đồng thời ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và năng suất lao động.

Báo cáo nhấn mạnh 600 triệu người dân trong khu vực đang đứng trước nguy cơ phải chịu đựng thời tiết nóng bức hơn, các đợt gió mùa kéo dài hơn và hạn hán gia tăng, do nhiệt độ toàn cầu trong 20 năm tới được dự báo sẽ tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

[Infographics] Những con số “gây sốc” về tác động của biến đổi khí hậu

Mực nước biển dâng cao cũng ảnh hưởng đến người dân ASEAN do khu vực này có rất nhiều người sống ở các vùng ven biển.

Với tiêu đề “Thích ứng và khả năng phục hồi ở ASEAN: Quản lý rủi ro thiên tai do các hiểm họa tự nhiên,” báo cáo kêu gọi các chính phủ thực hiện chính sách lớn, tăng cường khả năng chống chịu trước các thảm họa thiên nhiên và tập trung chuẩn bị ứng phó với biến đổi khí hậu.

Luận điểm chính của báo cáo cho rằng các chính sách giảm thiểu rủi ro thiên tai nên tập trung vào các điểm yếu của cơ sở hạ tầng, hệ sinh thái và các nhóm xã hội trên toàn ASEAN.

Chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu - tính toán tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan - cho thấy những thay đổi về lượng mưa và nhiệt độ sẽ gây ra những hậu quả lớn đối với hệ sinh thái và các hoạt động nông nghiệp của ASEAN.

Theo chỉ số này, 3 nước ASEAN nằm trong số những nước đối mặt với nguy cơ cao nhất trong giai đoạn 2000-2019, trong đó Myanmar (xếp thứ 2), Philippines (thứ 4) và Thái Lan (thứ 9).

Trong khi đó, hai nước nằm trong nhóm rủi ro thấp nhất là Brunei (176) và Singapore (179).

Bảo vệ thành quả của ASEAN

Nghiên cứu Liên ngành của Đại học Glasgow cho biết: “Các nước ASEAN có nguy cơ về hiểm họa thiên nhiên và biến đổi khí hậu không đồng đều do có đặc điểm, khả năng bị tác động và tổn thương khác nhau… Việc xác định đặc điểm của các rủi ro từ những hiểm họa ở cấp địa phương sẽ là yếu tố bắt buộc để đưa ra các biện pháp thích ứng phù hợp, giảm thiểu rủi ro một cách bền vững.”

Trong khi nhấn mạnh những điều kiện ngày càng tồi tệ đối với người nghèo, báo cáo cũng lưu ý rằng nếu không có phòng chống biến đổi khí hậu, những nỗ lực của ASEAN trong 30 năm qua nhằm giảm nghèo, thúc đẩy phát triển con người trên toàn khu vực và đảm bảo an ninh lương thực có thể bị phá hỏng.

Các nước ASEAN đối mặt nhiều thách thức do biến đổi khí hậu ảnh 2Cảnh ngập lụt sau những trận mưa lớn tại Narathiwat, Thái Lan, ngày 7/1/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo báo cáo gần đây của Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc về châu Á-Thái Bình Dương (UNESCAP), sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể khiến 96% số người dân trong khu vực bị ảnh hưởng bởi hạn hán và 64% bị ảnh hưởng bởi hạn hán khắc nghiệt.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan khác, như bão, tác động đến ngành nông nghiệp bằng cách gây hư hại tài sản và dòng chảy kinh tế nông nghiệp. Lũ lụt là một nguy cơ lớn khác ở khu vực Đông Nam Á.

Báo cáo đề xuất việc giảm thiểu rủi ro thiên tai ở ASEAN cần tập trung vào hoàn cảnh, nhu cầu và ưu tiên của những người dân chịu thiệt thòi về tài chính và bị bỏ mặc.

Việc hỗ trợ các cơ chế chung để đánh giá và ứng phó với sự bất ổn gia tăng, cũng như xu hướng thay đổi của thiên tai sẽ là yếu tố cần thiết.

Tất cả các biện pháp giảm thiểu rủi ro thiên tai cần được xem xét một cách có hệ thống và bình đẳng để đảm bảo rằng các biện pháp tốt nhất trong dài hạn được lựa chọn.

Cần có sự minh bạch, trách nhiệm giải trình, cũng như thực thi các tiêu chuẩn và quy định tài chính, từ đó phân bổ nguồn vốn phù hợp hơn giữa các nỗ lực ứng phó, phục hồi, chuẩn bị và tăng cường khả năng phục hồi sau thiên tai.

Các giải pháp dựa vào tự nhiên - như tái tạo và bảo vệ rừng ngập mặn hoặc rạn san hô - sẽ giúp bảo vệ, quản lý bền vững và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên hoặc đã bị biến đổi.

Báo cáo lưu ý rằng đến nay, Đông Nam Á đã có nhiều tiến bộ trong việc chuẩn bị đối phó với các hình thái thời tiết cực đoan, như các dự án khí hậu ở địa phương.

Tuy nhiên, việc thông tin hạn chế về tiến bộ này sẽ cản trở các đánh giá thấu đáo về khả năng sẵn sàng ứng phó với thiên tai, khiến ASEAN khó dự đoán các điều kiện khí hậu này.

Giáo sư Benjamin Horton - Giám đốc EOS - người đứng đầu dự án, cho biết: “Báo cáo của chúng tôi mô tả nguy cơ ngày càng lớn về khí hậu do mực nước biển dâng, nhiệt độ và độ ẩm tăng mạnh, mưa lũ, lở đất và hạn hán nghiêm trọng mà các nền kinh tế và xã hội ở ASEAN phải đối mặt."

"Điều này đe dọa những tiến bộ trong phát triển con người và xóa đói nghèo mà ASEAN đã đạt được trong những thập kỷ gần đây. Do đó, giảm thiểu rủi ro thiên tai ở ASEAN đòi hỏi một bộ chính sách, bao gồm hỗ trợ sinh kế, cứu trợ khẩn cấp hiệu quả và bảo trợ xã hội”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục