Các nước Arab nhất trí gia hạn "thời hạn chót" đối với Qatar

Các nước Arab đã nhất trí gia hạn thời hạn chót mà Qatar phải thực hiện bản danh sách các yêu cầu của các nước này, thêm 48 giờ nữa, trong bối cảnh thời hạn đó đã chính thức kết thúc trong đêm 2/7.
Một góc thành phố Doha. (Nguồn: AP)

Ngày 3/7, đài truyền hình nhà nước Arabiya TV của Saudi Arabia đưa tin các nước Arab cô lập Qatar đã nhất trí gia hạn thời hạn chót mà Qatar phải thực hiện bản danh sách các yêu cầu của các nước này, thêm 48 giờ nữa, trong bối cảnh thời hạn đó đã chính thức kết thúc trong đêm 2/7, theo giờ địa phương.

Trước đó, hãng tin KUNA của Kuwait đưa tin nước này đã nhận được phản hồi của Qatar về danh sách yêu cầu của các nước Arab, song không cho biết liệu Qatar có bác bác bỏ "tối hậu thư" trên hay không.

Tuy nhiên, theo KUNA, Tiểu vương Kuwait, Sheikh Sabah Al-Ahmad Al-Jaber Al-Sabah đã yêu cầu Saudi Arabia và ba nước đồng minh gia hạn thời hạn chót với Qatar.

Trước đó, phát biểu trước báo giới tại Italy sau chuyến thăm Mỹ, Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani cho rằng "tối hậu thư" của các nước Arab và vùng Vịnh không nhằm mục đích giải quyết vấn đề khủng bố, mà là xâm phạm chủ quyền và làm suy yếu Doha. Tuy nhiên, ông cũng tuyên bố Doha sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán để thảo luận những yêu cầu của các nước láng giềng.

Kuwait hiện thúc đẩy các nỗ lực hòa giải nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao được coi là tồi tệ nhất trong nhiều năm qua ở vùng Vịnh. Mỹ và một số nước trong khu vực đã lên tiếng ủng hộ vai trò hòa giải của Kuwait. Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 2/7 khẳng định nước này hối thúc tất cả các bên kiềm chế để thúc đẩy một tiến trình đàm phán hiệu quả.

[Qatar phối hợp với Mỹ và Kuwait đối phó tối hậu thư của các nước Arab]

Trong khi các nước Arab và vùng Vịnh tuyên bố bản yêu sách của họ là không thể đàm phán, giới quan sát khu vực và quốc tế nhận định trong bản yêu sách gồm 13 điểm, việc đóng cửa kênh truyền hình Al-Jazeera có trụ sở tại Doha; ngừng hỗ trợ tổ chức Anh em Hồi giáo (MB); đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar; và hạ cấp quan hệ với Iran đều là những yêu cầu khó khăn đối với Qatar.

Hiện các nước vùng Vịnh vẫn chưa tiết lộ thông tin chi tiết về những biện pháp trừng phạt tiếp theo nhằm vào Qatar, song giới chủ ngân hàng thương mại trong khu vực cho rằng ngân hàng của Saudi Arabia, UAE và Bahrain có thể đã được chỉ đạo rút tiền gửi cũng như các khoản cho vay liên ngân hàng từ Qatar. Các lệnh trừng phạt bổ sung hà khắc có thể sẽ được áp dụng để cấm giới đầu tư nắm giữ các tài sản của Qatar nhưng tới nay giới chức các nước Arab chưa có dấu hiệu đưa ra động thái như vậy.

Trong phiên giao dịch ngày 2/7, thị trường chứng khoán Qatar đã giảm 3,1% giá trị khiến thị trường này hứng chịu tổng mức giảm 11,9% kể từ ngày 5/6, thời điểm Saudi Arabia và các quốc gia khác chấm dứt quan hệ ngoại giao với Doha.

Trong hai ngày qua, một loạt ngân hàng và thể chế tài chính của Anh như Lloyds Banking Group, Barclays, Royal Bank of Scotland, Thomas Exchange Global, Travelex... được cho là đã ngừng giao dịch bằng đồng riyal của Qatar, khiến sức ép lên nước này ngày càng gia tăng. Theo truyền thông khu vực, một số ngân hàng ở Mỹ, Ấn Độ, Sri Lanka và Pakistan có thể cũng đã tạm ngừng giao dịch bằng đồng nôi tệ của Qatar.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Anwar Gargash đã hạ thấp khả năng leo thang khủng hoảng ngoại giao, khi cho rằng "biện pháp lựa chọn không phải là làm leo thang tình hình, mà là các biện pháp cô lập hơn nữa," ngụ ý Qatar có thể bị buộc phải rời khỏi Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) - tổ chức được thành lập năm 1981, sau Cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran và cuộc chiến tranh Iran-Iraq./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục