Các nước Arab huy động tài chính cứu trợ người tị nạn Palestine

Các nước Arab cam kết huy động tài chính cũng như ủng hộ chính trị đối với Cơ quan Liên hợp quốc cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA), sau khi Mỹ quyết định cắt khoản đóng góp cho cơ quan này.
Phát nước uống cho học sinh của một trường học do Cơ quan Liên hợp quốc vì người tị nạn Palestine (UNRWA) quản lý tại Dải Gaza ngày 29/8. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 11/9, Ngoại trưởng các nước Arab cam kết huy động tài chính cũng như ủng hộ chính trị đối với Cơ quan Liên hợp quốc cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA), sau khi Mỹ quyết định cắt khoản đóng góp cho cơ quan này.

Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp tại trụ sở Liên đoàn Arab (AL) ở Cairo (Ai Cập), hội đồng ngoại trưởng Arab hối thúc cộng đồng quốc tế duy trì các cam kết đối với UNRWA, theo đó bảo đảm các nguồn lực tài chính cho ngân sách hoạt động của cơ quan này trên cơ sở nghị quyết 194 của Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1948.

Các quốc gia Arab cam kết tiếp tục ủng hộ hoạt động của UNRWA hỗ trợ hơn 5,3 triệu người tị nạn Palestine và cung cấp tài chính cho 526.000 học sinh Palestine.

Tuyên bố đồng thời kêu gọi các quốc gia thành viên AL gia tăng các nỗ lực ở cấp độ quốc tế nhằm đối phó với những " ý đồ bất hợp pháp" của Mỹ và Israel.

Phát biểu họp báo sau cuộc họp, Tổng Thư ký AL Ahmed Aboul-Gheit kêu gọi các nước tăng gấp đôi viện trợ cho UNRWA.

[Cắt giảm tiền viện trợ, Mỹ tiếp tục gây sức ép với Palestine]

Trong khi đó, Giám đốc UNRWA, ông Pierre Krahenbuhl, cho biết cơ quan này hiện cần 186 triệu USD để duy trì hoạt động.

Ngày 31/8 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Washington quyết định sẽ không đóng góp thêm bất cứ khoản tài chính nào cho UNRWA và sẽ tìm kiếm các mô hình cũng như hướng tiếp cận mới nhằm "cải tổ cơ quan này theo hướng có thể phân phối hiệu quả hỗ trợ trực tiếp từ Mỹ và các đối tác khác."

Liên quan vấn đề Palestine, cùng ngày 11/9, Tổng Thư ký AL Aboul-Gheit đã chỉ trích việc Mỹ đóng cửa phái bộ của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) tại thủ đô Washington, nhấn mạnh đây là một quyết định không công bằng.

Trong một tuyên bố, ông Aboul-Gheit cho rằng quyết định này là một phần trong chính sách của Mỹ chống lại người Palestine.

Ông nêu rõ tất cả các biện pháp của Mỹ trong thời gian gần đây phản ánh Washington hiểu sai về cuộc chiến đấu và lịch sử của người Palestine, cũng như gốc rễ của cuộc xung đột giữa Palestine và Israel.

Các quan hệ giữa chính quyền Mỹ và Chính quyền Palestine đã xấu đi nghiêm trọng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Palestine đã ngừng mọi tiếp xúc với chính quyền Mỹ và nêu rõ Washington không còn đóng vai trò hòa giải cho tiến trình hòa bình Trung Đông nữa.

Trong khi đó, Mỹ đã ngừng hỗ trợ tài chính cho các hoạt động nhân đạo đối với người tị nạn Palestine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục