Các nước Arab chậm phát triển năng lượng tái tạo do “Mùa xuân Arab”

Giám đốc RCREEE cho biết khẳng định khủng hoảng chính trị tại một số quốc gia Arab đã kìm hãm việc thực hiện các chương trình và các dự án lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Các nước Arab chậm phát triển năng lượng tái tạo do “Mùa xuân Arab” ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu về năng lượng tái tạo và hiệu quả sử dụng năng lượng (RCREEE) Rym Boukhechina nhận định sự phát triển năng lượng tái tạo của các nước Arab bị tụt lại một khoảng cách xa do tác động của “Mùa xuân Arab."

Theo bà Boukhechina, trước năm 2010, có rất nhiều tham vọng lớn và viễn cảnh tươi sáng để phát triển các ngành năng lượng tái tạo, nhất là ở các nước không có những nguồn tài nguyên thiên nhiên khác, đồng thời tái khẳng định khủng hoảng chính trị tại một số quốc gia Arab đã kìm hãm việc thực hiện các chương trình và các dự án lớn trong lĩnh vực này.

Bà Boukhechina chỉ ra một số ví dụ trong đó có Libya và Syria, đã từng có rất nhiều các dự án lớn về phát triển năng lượng tái tạo, nhất là sản xuất điện thông qua các tấm pin Mặt Trời. Bà nhấn mạnh, một quốc gia như Ai Cập, đang thiếu điện và khí đốt sẽ buộc phải phát triển năng lượng tái tạo trong những năm sắp tời.

Theo bà Boukhechina, năng lượng tái tạo chiếm không quá 0,6% sản xuất năng lượng tại các nước Arab, đồng thời cho rằng sự đóng góp của năng lượng tái tạo vào sản xuất năng lượng điện tại các quốc gia trên là không thấm tháp gì so với tiềm năng và mong đợi của người dân các nước Arab.

Sự chậm trễ trên là do nhiều yếu tó, trong đó có sự ngập ngừng của một số nước Arab do chi phí cao hơn so với sản xuất điện dựa vào các nguồn tài nguyên truyền thống gây ô nhiễm.

Bà cho biết thêm một số nước trong đó có Algeria lại thích có công nghệ về lĩnh vực này trước khi đầu tư, điều này làm chậm đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Nguồn tài nguyên mà các nước trong khu vực có nhiều nhất là dầu khí càng làm cho phát triển năng lượng tái tạo khó khăn hơn khi phải cạnh tranh với các nguồn năng lượng truyền thống. Bà Boukhechina nhấn mạnh đa phần luật pháp và quy định chưa phù hợp đển phát triển năng lượng tái tạo.

Các nghiên cứu mà RCREEE chi ra rằng tiềm năng về năng lượng Mặt Trời và gió ở các nước Arab là rất lớn. RCREEE là một cơ quan hỗ trợ các chương trình phát triển năng lượng tái tạo dành cho các nước trong khu vực, gồm 15 quốc gia Arab, trong đó có Algeria./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục