Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 15/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước.
Chia sẻ quan điểm bên hành lang kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự quyết liệt, sâu sát của Chính phủ trong phòng, chống dịch COVID-19 kèm theo các giải pháp thực hiện “mục tiêu kép” khôi phục nền kinh tế và phát triển kinh tế-xã hội trong những tháng cuối năm.
Theo đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng), tháng 1/2020, vẫn còn dư âm rất tích cực về kết quả kinh tế-xã hội của năm 2019, tháng Hai dư âm giảm dần nhưng được bù lại bởi tháng Tết, tháng Ba bắt đầu bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến tăng trưởng kinh tế giảm xuống còn 3,82%.
Đến tháng Tư, khi các nước trên thế giới chìm trong đại dịch COVID-19 thì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong nước giảm rõ rệt. Nhìn vào tốc độ thu ngân sách nhà nước thông qua thu thuế, có thể thấy tốc độ thu thuế tháng Tư giảm và đến tháng Năm tiếp tục giảm hơn nữa. Như vậy, trong tháng Sáu này, dự báo tốc độ tăng trưởng sẽ khó mà duy trì được.
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên tin tưởng chiến lược phục hồi nền kinh tế “2 bước” của Chính phủ sẽ đem lại kết quả khả quan trong tăng trưởng, trong đó sẽ thực hiện tốt bước 1 là khống chế dịch COVID-19, không lây nhiễm trong cộng đồng.
[Đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng]
“Chúng ta sẽ điều chỉnh lại nền kinh tế để gia nhập vào chuỗi giá trị hình thành mới trong quý 4/2020 và những tháng đầu năm của 2021. Hy vọng trong năm 2021, kinh tế thế giới phục hồi thì nền kinh tế của chúng ta cũng sẽ phục hồi thêm," đại biểu nêu ý kiến.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) cho rằng cùng với việc kiểm soát dịch bệnh, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ như gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, miễn giảm tiền điện, hỗ trợ cước phí viễn thông quy mô gần 40.000 tỷ đồng; 15.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp để hỗ trợ người lao động; chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm thu ngân sách cho các đối tượng bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19. Những giải pháp này có ý nghĩa quan trọng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể phục hồi sản xuất kinh doanh và phục hồi nền kinh tế.
Qua thảo luận tại các phiên của Quốc hội cũng như qua các cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ, các phó thủ tướng Chính phủ ở nhiều địa phương, đại biểu thấy có sự quyết tâm rất cao của nhiều địa phương khi đăng ký không giảm chỉ tiêu tăng trưởng năm nay. Với quyết tâm cao như vậy, đại biểu Bùi Thanh Tùng hy vọng rằng cộng đồng doanh nghiệp, người dân cũng sẽ có những điều kiện tiếp tục quay trở lại sản xuất kinh doanh.
“Năm nay, chúng ta sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và giữ được tỷ lệ tăng trưởng kinh tế không chỉ là dương mà có thể trên mức như các tổ chức quốc tế đánh giá lừ 2,7 đến 2,8%." Hiện nay chúng ta quyết tâm ở mức cao hơn là hơn 4%," đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) đề cao vai trò của ngành nông nghiệp và cho rằng, ở những thời điểm khó khăn khi các ngành công nghiệp, dịch vụ suy giảm thì ngành nông nghiệp vẫn là trụ đỡ cho nền kinh tế.
Theo đại biểu, để nông nghiệp đứng vững, cần áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và phải xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị hơn nữa, nếu không chú ý điểm này khi hàng hóa các quốc gia sản xuất nhiều thì khả năng cạnh tranh của chúng ta sẽ không cao.
Đại biểu lấy ví dụ giá gạo đang tăng cao do nhiều quốc gia đang có nhu cầu tăng cao về lương thực nhưng lại không sản xuất đủ. Việt Nam lại được mùa trồng lúa nên cần tận dụng thời gian này để xây dựng thương hiệu và gia tăng giá trị trong thời gian tới./.