Các nhân viên của Liên hợp quốc đã chính thức trở lại Libya

Sau hơn 2 năm phải rút khỏi Libya do bạo lực leo thang, các nhân viên của Liên hợp quốc chính thức quay trở lại thủ đô Tripoli để làm việc.
Các nhân viên của Liên hợp quốc đã chính thức trở lại Libya ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: un.org.za)

Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Libya Martin Kobler ngày 17/4 thông báo các nhân viên của Liên hợp quốc đã quay trở lại Libya. Động thái này diễn ra một ngày trước khi Quốc hội được quốc tế công nhận của Libya tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ đoàn kết dân tộc do Liên hợp quốc bảo trợ.

Theo ông Kobler, các nhân viên của Liên hợp quốc sẽ trở lại làm việc ở Tripoli sau khi phải rút đi từ giữa năm 2014 do bạo lực leo thang. Ông Kobler có kế hoạch đến Tobruk, thành phố miền Đông nơi đặt trụ sở của Quốc hội được quốc tế công nhận, để hối thúc tất cả các bên công nhận chính phủ đoàn kết dân tộc. Theo dự kiến, Quốc hội trên sẽ bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ đoàn kết dân tộc trong ngày 18/4.

Ông Kobler bày tỏ tin tưởng rằng chính phủ đoàn kết sẽ giải quyết được các thách thức hiện nay ở Libya, như sự mở rộng kiểm soát của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và tình hình an ninh.

Cùng ngày, chính phủ đoàn kết thông báo sẽ nắm quyền điều hành các Bộ đầu tiên tại Tripoli từ ngày 18/4. Phó Thủ tướng Ahmed Meitig cho biết dù kết quả bỏ phiếu tín nhiệm như thế nào, chính phủ đoàn kết cũng sẽ nắm quyền điều hành 3 Bộ đầu tiên gồm Bộ Các vấn đề xã hội, Bộ Thanh niên và Thể thao, và Bộ Nhà ở và Công trình công cộng.

Tuy nhiên, ông Meitig nhấn mạnh việc Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ đoàn kết sẽ cứu người dân Libya và chấm dứt sự chia rẽ trong nội bộ nước này.

Từ giữa năm 2014, tại Libya tồn tại hai chính phủ và hai quốc hội đối địch. Chính phủ do Quốc hội được quốc tế công nhận lập ra đã buộc phải chuyển tới thành phố Tobruk sau khi lực lượng Hồi giáo Bình minh Libya (Fajir Libya) chiếm thủ đô Tripoli và lập chính phủ tự xưng với sự ủng hộ của cơ quan lập pháp mãn nhiệm.

Chính phủ đoàn kết dân tộc được thành lập theo thỏa thuận chia sẻ quyền lực được các bên đối địch ký kết dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc tại Maroc hồi tháng 12/2015.

Ngày 30/3 vừa qua, Thủ tướng Fayez al-Sarraj đã từ Tunisia về Tripoli để bắt đầu công việc tại một căn cứ hải quân ở thủ đô, bất chấp sự phản đối của cả hai quốc hội đối địch.

Tuy nhiên, ông al-Sarraj đã nhận được sự ủng hộ của các thể chế tài chính quan trọng như Ngân hàng trung ương Libya, Công ty Dầu mỏ quốc gia, cũng như của chính quyền các thành phố phía Đông và phía Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục