Với bức tranh tường về núi Phú Sĩ và lối vào bằng gỗ trải dưới mái nhà nhọn truyền thống kiểu Nhật, Inariyu là một ví dụ điển hình cho nhà tắm công cộng kiểu cổ của Nhật Bản, còn gọi là sento. Đây cũng là một trong những sento còn hoạt động ở thủ đô Tokyo.
Vào mỗi buổi chiều trước giờ mở cửa, những người cao tuổi đã tập trung bên ngoài Inariyu, mang theo vải nỉ, xà phòng và dầu gội đầu để ngâm mình. Inariyu là một trong số các nhà tắm được nâng cấp về cơ sở vật chất, trong khi nhiều nhà tắm khác đang làm mới hình ảnh, chuyển đổi thành những mô hình thời thượng hơn để thu hút khách hàng và duy trì hoạt động kinh doanh.
Tắm tại các sento là một hình thức thư giãn được nhiều người ưa chuộng và từng phổ biến ở các khu vực đô thị đông đúc. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều sento đã đóng cửa do đa số người dân chuyển sang tắm tại nhà nhiều hơn, trong khi các chủ sở hữu sento phải vật lộn với tình trạng máy móc hoạt động kém hiệu quả, giá nhiên liệu cao và không có người kế thừa gia nghiệp.
Sento xuất hiện từ thế kỷ thứ 12 và trở nên phổ biến vào thời Edo (1603-1868) trong bối cảnh tài nguyên khan hiếm và nhiều gia đình không có phòng tắm riêng. Tuy nhiên, ngày nay, các sento không còn hút khách như trước và đối mặt với nguy cơ bị xóa sổ khi ý nghĩa của các nhà tắm công cộng dần thay đổi.
So với mức cao nhất gần 18.000 nhà tắm công cộng vào cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, số lượng nhà tắm trên cả nước đã giảm xuống còn khoảng 1.800.
Đối với nhiều người cao tuổi tại Nhật Bản, tắm tại sento là một thói quen hằng ngày, kể cả trong giai đoạn đại dịch COVID-19 hoành hành. Một số người cao tuổi cho biết họ cảm thấy an toàn hơn khi tắm chung với người khác, trong khi đối với nhiều người khác, đây còn là không gian để thư giãn và giao tiếp.
Ông Sam Holden - người đứng đầu tổ chức Sento & Neighborhood - cho rằng việc đóng cửa các phòng tắm công cộng này có thể ảnh hưởng đến sự gắn kết cộng đồng. Theo ông, nhà tắm Inariyu được xây dựng từ năm 1930, nay là nơi đón tiếp các vị khách ở mọi lứa tuổi, trong đó có những người cao tuổi sống đơn thân và rất dễ bị cô lập với xã hội.
[Nhật Bản: Bối rối vì quy định cấm người có hình xăm đi tắm onsen]
Sento & Neighborhood đã sử dụng khoản tài trợ 200.000 USD của Quỹ Di tích Thế giới để cải tạo cơ sở của Inariyu, đồng thời tìm cách duy trì không khí ấm cúng, thân thiện tại nhà tắm này. Mục tiêu của tổ chức này là bảo tồn những kiến trúc mang tính lịch sử như sento, trước khi chúng có thể bị tháo dỡ và tái phát triển thành các nhà cao tầng hiện đại.
Trong khi đó, một sento khác mang tên Koganeyu - mở cửa trở lại vào năm 2020 - lại thu hút được nhiều khách hàng trẻ tuổi. Vào một buổi chiều cuối tuần, sento này trở nên đông đúc khi nhiều khách hàng đến đây để uống bia và thưởng thức âm nhạc.
Chủ sở hữu Koganeyu, anh Fumitaka Kadoya, cho biết khi tiếp quản sento vào 3 năm trước, anh đã thiết lập một cơ sở dữ liệu về thông tin khách hàng và thời gian họ đến sento. Cơ sở dữ liệu này đã giúp anh Kadoya đưa ra các quyết định về điều chỉnh mô hình kinh doanh, phù hợp với thị hiếu của khách hàng.
Anh Kadoya cho rằng sento luôn là một phần của văn hóa Nhật Bản và ngày nay, việc đến ngâm mình tại một nhà tắm công cộng, trò chuyện với những người bạn bè, hàng xóm có thể coi là một phương pháp "giải độc" cho tâm trí sau khi tiếp xúc lâu với các thiết bị công nghệ.
Tắm công cộng được coi là một trong những nét đẹp văn hóa lâu đời của người Nhật, bên cạnh sento thì onsen là một hình thức được ưa chuộng khác. Khác với onsen- các suối nước nóng tự nhiên, nước của các sento được làm nóng bằng khí đốt.
Chủ sở hữu Inariyu, ông Shunji Tsuchimoto, cho biết trong năm nay, ông đã phải chi trả gấp đôi tiền nhiên liệu so với năm ngoái và đây là tình trạng chung mà nhiều sento gặp phải.
Chính quyền Tokyo quy định mức giá tắm tại các sento đối với cả nam và nữ giới là 500 yen (tương đương 3,70 USD)./.