Theo Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị, tỉnh đã tiếp nhận được trên 100 triệu USD từ các nhà tài trợ quốc tế để khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
Từ năm 1996, tỉnh Quảng Trị bắt đầu tiếp nhận nguồn lực do các tổ chức quốc tế tài trợ để khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
Trong tổng số trên 100 triệu USD mà các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ, Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ khoảng 45 triệu USD thông qua các tổ chức quốc tế và phi chính phủ nước ngoài.
Tổ chức Peace Trees VietNam - Cây Hòa Bình Việt Nam của Hoa Kỳ đã hỗ trợ huyện miền núi Hướng Hóa làm sạch bom mìn, trồng cây xanh cải tạo môi trường; hỗ trợ các hộ dân ở hai xã Tân Lập và Hướng Tân trồng hồ tiêu để phát triển kinh tế, xây dựng các điểm trường mầm non ở khu vực biên giới, như xã A Xing, thị trấn Lao Bảo, thị trấn Khe Sanh.
[Quảng Trị xử lý an toàn quả bom khoan nặng 227 kg]
Theo đại diện Ủy ban Nhân dân huyện Hướng Hóa, sự hỗ trợ này đã giúp địa phương giảm thiểu tai nạn từ bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, đồng thời góp phần giúp người dân phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Nhiều tổ chức quốc tế khác cũng đã và đang hỗ trợ tỉnh Quảng Trị khắc phục hậu quả bom mìn. Dự án RENEW-NPA là chương trình hợp tác giữa tỉnh Quảng Trị với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (RENEW) và Tổ chức Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA).
Ngoài ra, Nhóm Cố vấn bom mìn Vương quốc Anh (MAG), Tổ chức phi lợi nhuận Clear Path International (CPI)... cũng đã hỗ trợ tỉnh Quảng Trị.
Đến tháng 9/2020, tỉnh Quảng Trị có khoảng 187 triệu m2 đất được giải phóng an toàn khỏi bom mìn và vật liệu nổ; 720.000 bom mìn và vật liệu nổ đã được phát hiện, phá hủy.
Nguồn lực của các tổ chức quốc tế tài trợ còn giúp tỉnh Quảng Trị đào tạo nguồn nhân lực, có công nghệ hiện đại để giải quyết vấn đề hậu quả bom mìn sau chiến tranh bền vững, đồng thời tạo việc làm ổn định cho 900 lao động ở địa phương.
Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị, bà Nguyễn Triều Thương cho biết: Quảng Trị đang hướng đến là tỉnh đầu tiên của Việt Nam “an toàn,” không còn tai nạn bom mìn vào năm 2025.
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Quảng Trị đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như thúc đẩy hợp tác quốc tế để tiếp tục huy động nguồn viện trợ; lồng ghép hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; ưu tiên giáo dục phòng tránh bom mìn, hỗ trợ nạn nhân bom mìn ở những khu vực bị ô nhiễm bom mìn nặng.
Quảng Trị là một trong những tỉnh bị ô nhiễm bom mìn lớn nhất cả nước. Theo đó, diện tích nhiễm bom mìn và vật liệu nổ chiếm trên 80% tổng diện tích toàn tỉnh. Bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở Quảng Trị đã khiến hơn 3.430 người chết, 5.100 người bị thương./.