Các nhà sản xuất chip nhớ Trung Quốc ngày càng bị coi là mối nguy đối với lợi nhuận của hai doanh nghiệp sản xuất chip của Hàn Quốc là Samsung Electronics và SK hynix, vì họ hạ giá các sản phẩm DRAM cũ của mình. Sự thay đổi này diễn ra trong bối cảnh xuất hiện lo ngại về khả năng thực hiện các chính sách thương mại bảo hộ dưới thời chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump sắp tới.
Theo công ty theo dõi thị trường DRAMeXchange, hầu hết các sản phẩm DRAM đều cho thấy giá giao ngay giảm trong phiên giao dịch ngày 20/11. Trong số đó, DDR4 16-gigabyte 1Gx16 3200 giảm 0,42% so với phiên trước đó, trong khi các sản phẩm chính thống khác cũng giảm nhẹ hoặc không đổi.
Các nhà phân tích lưu ý rằng giá DRAM vẫn tiếp tục giảm do lo ngại về tình trạng cung vượt cầu các sản phẩm cũ. Xu hướng giảm này được cho là do các công ty Trung Quốc nỗ lực tăng nguồn cung như một phần trong chiến lược tập trung vào khối lượng, bất chấp việc phải chịu lỗ.
Theo DigiTimes (ngày 18/11), các nhà sản xuất DRAM Trung Quốc, bao gồm ChangXin Memory Technologies (CXMT) và Fujian Jinhua, đang bán chip DDR4 của họ với giá bằng một nửa giá của các nhà sản xuất lớn, bao gồm Samsung, SK và Micron của Mỹ. Báo cáo cũng cho biết các nhà sản xuất Trung Quốc đang cung cấp giá DDR4 thấp hơn 5% so với các sản phẩm cũ tái chế trên thị trường.
Các quan chức trong ngành cho biết những động thái như vậy được cho là một phần trong chiến lược của họ nhằm bảo vệ khách hàng và kênh cung ứng trước khi chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump áp đặt mức thuế quan cao và thực hiện các chính sách nghiêm ngặt khác nhắm vào chip của Trung Quốc.
Để ứng phó tình hình trên, các công ty Trung Quốc đang tăng cường sản xuất. Theo báo cáo từ công ty tài chính Nomura Securities, CXMT đã nhanh chóng tăng năng lực sản xuất DRAM, từ 70.000 tấm wafer mỗi tháng vào năm 2022 và dự kiến sẽ đạt 200.000 trong năm nay, chiếm 15% thị trường DRAM toàn cầu. Công ty đang tập trung vào DDR4 và LPDDR4 cho các thiết bị di động. Fujian Jinhua Integrated Circuit, công ty chịu lệnh trừng phạt của Mỹ vào năm 2018, cũng đang tăng sản lượng tấm wafer, tập trung vào các sản phẩm DDR4.
Theo tờ Nikkei Asia, trong Triển lãm bán dẫn quốc tế Trung Quốc diễn ra ngày 18/11, Chủ tịch của nhà sản xuất NAND hàng đầu Yangtze Memory Technologies, Chen Nanxiang, cho biết: "Ngành công nghiệp Trung Quốc sẽ cùng nhau hợp tác để giải quyết những thách thức chung".
Kế hoạch tăng cường cung ứng của các nhà sản xuất bộ nhớ Trung Quốc đang gây ra rủi ro cho Samsung Electronics và SK hynix. Trích dẫn công cụ theo dõi thị trường TrendForce, LS Securities cho biết mức tồn kho DRAM của Samsung Electronics hiện ở mức 17 tuần, tăng so với mức 15 tuần trong quý 3. Mức tồn kho của SK hynix cũng tăng lên 12 tuần từ mức 11 tuần trong cùng kỳ.
Doanh số bán DRAM của Samsung trong quý 3/2024 đạt 8,59 tỷ USD, chiếm 39,8% tổng doanh số từ bộ phận chip của công ty. Doanh thu DRAM của SK hynix là 8,93 tỷ USD, chiếm 69% tổng doanh số của công ty. Để tránh những tác động có thể xảy ra, các công ty đã tập trung vào việc mở rộng thị phần những sản phẩm có giá trị cao, chẳng hạn như chip DDR5 hoặc bộ nhớ băng thông cao (HBM), trong cơ cấu doanh số của họ.
Đầu tháng 11/2024, Samsung Electronics cho hay "công ty có kế hoạch duy trì chiến lược đầu tư linh hoạt phù hợp với điều kiện thị trường, tập trung vào quá trình chuyển đổi sang các sản phẩm có giá trị cao như HBM và DDR5".
SK hynix cũng cho rằng "các sản phẩm cũ như DDR4 và LPDDR4 đang trở nên cạnh tranh hơn sau khi nguồn cung từ các nhà sản xuất Trung Quốc tăng lên" và công ty sẽ "nhanh chóng giảm sản xuất các sản phẩm cũ và đẩy nhanh quá trình phát triển những sản phẩm cao cấp"./.