Các nhà phân tích: CPTPP có thể tác động đến đàm phán NAFTA

CPTPP có thể sẽ tác động đến quá trình đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) do Canada và Mexico đều là thành viên của thỏa thuận mà Mỹ đã rút khỏi.
Các nhà phân tích: CPTPP có thể tác động đến đàm phán NAFTA ảnh 1(Nguồn: Scotiabank)

Mạng Inside US Trade vừa đăng bài viết dẫn lời các nhà phân tích cho rằng thỏa thuận đạt được giữa các nước tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có thể sẽ tác động đến quá trình đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) do Canada và Mexico đều là thành viên của thỏa thuận mà Mỹ đã rút khỏi.

Theo hiệp định mới, các nước CPTPP đã thống nhất tạm dừng thực hiện một số điều khoản trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ từng thúc đẩy. Tại sự kiện do diễn đàn Đối thoại Kinh doanh Toàn cầu tổ chức mới đây, bà Wendy Cutler, một cựu quan chức thương mại đã từng tham gia đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ-Hàn Quốc (KORUS), cho rằng với việc tham gia CPTPP, Canada và Mexico đã bắt đầu thực hiện chiến lược đa dạng hóa đối tác truyền thống và giảm thiểu sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Trong khi đó, bà Lori Wallach, Giám đốc Quan hệ công chúng thuộc Global Trade Watch, cho rằng việc Mexico và Canada đồng thuận tạm dừng thực hiện các điều khoản được Mỹ ủng hộ cho thấy các nước này sẽ phản đối dự định của Mỹ về việc đưa các điều khoản tương tự vào NAFTA.

Viện nghiên cứu Brookings có trụ sở tại Washington cũng ghi nhận tác động của CPTPP đối với NAFTA, theo đó, nông dân và các nhà sản xuất ôtô của Mexico và Canada sẽ được ưu đãi tiếp cận thị trường Nhật Bản và phần còn lại của châu Á.

Về chính sách thương mại của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bà Cutler cho rằng những kết quả đạt được sẽ rất khiêm tốn và Mỹ sẽ chỉ giải quyết được những vấn đề thương mại cụ thể với một số nước, nhưng sẽ không thể có được những thỏa thuận thương mại mới.

Phó Chủ tịch phụ trách chính sách tại Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN (USABC) Mark Mealy cũng cho rằng các nước trong khu vực đang tỏ ra thận trọng trong đàm phán thỏa thuận song phương với Mỹ và họ đang theo dõi diễn biến đàm phán lại NAFTA và KORUS.

[Hành động rút khỏi NAFTA có thể phá hủy ngành nông nghiệp Mỹ]

Các nhà đàm phán của Mỹ, Canada và Mexico đang gặp nhau tại Mexico City trong vòng đàm phán NAFTA thứ 5. Vòng đàm phán này dự kiến sẽ đạt được rất ít tiến bộ liên quan đến các đề xuất gây tranh cãi của Mỹ, mà chính nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nước này coi như "liều thuốc độc" đối với tiến trình đàm phán.

Những đề xuất này bao gồm nâng tỷ lệ nội địa hóa khu vực đối với ngành công nghiệp ôtô từ 62,5% như hiện nay lên 85%, với ít nhất là 50% là tỷ lệ nội địa Mỹ, chu kỳ 5 năm xem xét lại NAFTA và xóa bỏ Chương 19 về giải quyết tranh chấp bởi phá giá, trợ giá, và hạn ngạch.

Giới chức Mexico và Canada cho biết có nhiều tín hiệu rõ ràng cho thấy không bên nào sẵn sàng nhượng bộ trong những vấn đề gai góc nhất, và việc thu hẹp khác biệt là rất khó trong thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, giới quan sát vẫn hy vọng sẽ có tiến bộ trong những nội dung mà các bên có ít khác biệt hơn như viễn thông, thương mại điện tử và doanh nghiệp nhỏ, cũng như một số quy định mang tính kỹ thuật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục