Các nhà máy phía Bắc muốn tuyển hàng chục nghìn công nhân điện tử

Theo thống về nhu cầu tuyển dụng của 9 tỉnh, thành phố phía Bắc, lao động phổ thông vẫn là nhóm lao động mà doanh nghiệp cần tuyển đông nhất, chiếm tới 45,6% tổng số chỉ tiêu.
Các nhà máy phía Bắc muốn tuyển hàng chục nghìn công nhân điện tử ảnh 1Người lao động làm hồ sơ tuyển dụng tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Các nhà máy ở 9 tỉnh phía Bắc muốn tuyển hơn 21.600 công nhân điện tử, chiếm 54% tổng chỉ tiêu tuyển dụng trong phiên giao dịch online ngày 25/7. Đây là thông tin được đưa ra tại phiên giao dịch Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố: Ninh Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Thái Bình, Phú Thọ, Hải Phòng tổ chức.

Phiên kết nối việc làm 9 tỉnh phía Bắc có tổng chỉ tiêu tuyển dụng hơn 40.100 người; trong đó Bắc Giang dẫn đầu số lao động cần tuyển dụng, khoảng 17.500 người, chủ yếu là công nhân điện tử.

Theo ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Giang, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp điện tử từ nay đến cuối năm khá lớn trong khi nguồn lao động khan hiếm. Sáu tháng đầu năm, Bắc Giang cắt giảm khoảng 26.500 lao động trong lĩnh vực dệt may, sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử. Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng vẫn tăng, cần khoảng 70.000 người từ nay đến cuối năm.

[TP.HCM tuyển dụng nhiều vị trí, việc làm ở lĩnh vực công nghệ cao]

Ông Nguyễn Văn Huế cho biết nhiều doanh nghiệp điện tử mở rộng sản xuất lẫn thành lập mới. Từ đầu tháng 7/2023, đơn hàng đồng loạt quay trở lại với nhiều nhà máy là vendor (nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ) của Apple, chủ yếu sản xuất tai nghe, sạc, gia công máy tính bảng...

Thống kê doanh nghiệp cần tuyển lao động nhiều nhất là Foxconn 24.500; Luxshare-ICT 24.000; New Wing Interconnect Technology 13.000; Lens Việt Nam 3.000; CE Link khoảng 1.000...

Tổng hợp của Sàn giao dịch việc làm Hà Nội cho thấy 161 doanh nghiệp tham gia với 40.108 chỉ tiêu tuyển dụng; trong đó nhu cầu tuyển dụng lớn nhất là Bắc Giang, với 17.494 chỉ tiêu; tiếp theo lần lượt là Thái Nguyên 8.470 chỉ tiêu, Ninh Bình 3.701 chỉ tiêu, Phú Thọ 3.453 chỉ tiêu…

Nhìn chung, nhu cầu tuyển dụng của 9 tỉnh, thành phố cho thấy lao động phổ thông vẫn là nhóm lao động cần tuyển đông nhất, chiếm 45,6% tổng số chỉ tiêu; lao động trung cấp, công nhân kỹ thuật trên 27% và cử nhân trở lên gần 27%. Tương ứng với trình độ, khoảng 66% lao động tham gia tuyển dụng nhận mức lương 5-10 triệu đồng; 24% lương 10-15 triệu và thu nhập theo thỏa thuận chưa tới 10%.

Riêng Hà Nội ghi nhận số lượng tuyển dụng hơn 1.200, chủ yếu cần lao động lĩnh vực thương mại dịch vụ, vận tải và giáo dục với thu nhập 5-15 triệu đồng. Cụ thể, thu nhập trên 10 triệu đồng dành cho người có kinh nghiệm, chuyên môn tốt, khả năng chịu áp lực công việc cao như quản lý, giám sát, trưởng phó phòng.

Mức thấp hơn khoảng 7 triệu đồng dành cho phần lớn nhân viên văn phòng, lễ tân, kế toán; mức 5 triệu đồng cho lao động chưa có tay nghề, sinh viên mới ra trường. Mức lương thỏa thuận chỉ có 64 chỉ tiêu (chiếm 0,15%) dành cho nhân sự cấp cao hoặc có tay nghề chuyên môn tốt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục