Các nhà mạng đang đẩy nhanh tốc độ thương mại hoá 5G ra sao?

Dù thời gian thử nghiệm lên tới vài năm nhưng sau khi được cấp phép băng tần, các nhà mạng đã nhanh chóng triển khai thương mại hóa 5G trên cả nước.

Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Vinaphone)
Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Vinaphone)

Năm 2024 đánh dấu một cột mốc quan trọng khi các nhà mạng viễn thông tại Việt Nam như Viettel, VNPT đồng loạt thương mại hoá mạng 5G. Việc đẩy nhanh quá trình triển khai công nghệ này không chỉ mở ra những tiềm năng lớn trong chuyển đổi số mà còn đặt nền tảng cho sự cạnh tranh khu vực và toàn cầu.

Tại tọa đàm “Thương mại hóa 5G, ứng dụng vào ngành công nghiệp thông minh” do Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức sáng 26/12, các nhà mạng đã chia sẻ nhiều thông tin quan trọng về tốc độ triển khai thương mại hóa 5G tại Việt Nam.

Theo ông Lê Bá Tân - Trưởng ban kỹ thuật Tập đoàn Viettel, nhà mạng này đã khai trương mạng di động 5G vào tháng 10/2024. Sau 2 tháng, số lượng thuê bao 5G của Viettel là 4 triệu.

"4 triệu thuê bao này tương ứng với 70% các thiết bị đầu cuối 5G trong vùng phủ của 6.500 trạm BTS 5G," ông Lê Bá Tân chia sẻ.

hieu9120.jpg
Tọa đàm “Thương mại hóa 5G, ứng dụng vào ngành công nghiệp thông minh” do Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Qua 2 tháng triển khai, trung bình mỗi thuê bao 5G của Viettel tiêu thụ khoảng 21GB data mỗi tháng, gấp 1,7 lần so với thời gian đầu cung cấp dịch vụ. Việc sử dụng các dịch vụ 5G được nhận định sẽ còn tăng hơn nữa trong năm 2025.

Trưởng ban kỹ thuật Tập đoàn Viettel cho hay hiện có khoảng 10 triệu thuê bao Viettel trên toàn quốc có thiết bị đầu cuối 5G trên tổng số 66 triệu khách hàng đang sử dụng dịch vụ. Điều này cũng đồng nghĩa dư địa tăng trưởng thuê bao 5G của Viettel còn khoảng 6 triệu thuê bao đã sẵn sàng.

Đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp, Viettel ưu tiên những đơn vị đang có nhu cầu sử dụng mạng 5G như khu công nghiệp, sân bay, bến cảng...

Đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có một số doanh nghiệp sử dụng mạng 5G. Hiện Viettel đang làm việc với khoảng 100 đơn vị để cùng thử nghiệm, cho ra được các giải pháp số cung cấp cho doanh nghiệp.

Viettel cũng đã xây dựng 2 phòng thí nghiệm (phòng lab) tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là nơi các nhà phát triển ứng dụng 5G có thể đến để thử nghiệm sản phẩm, tránh việc khi ứng dụng vào thực tế có thể nhiễu tần số, hay giao thức IoT không chạy.

vnp-5g-5.jpg
Ông Lê Bá Tân - Trưởng ban kỹ thuật Tập đoàn Viettel. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Không gian này được tạo dựng nhằm giúp các doanh nghiệp có môi trường để phát triển ứng dụng 5G phù hợp với Việt Nam.

Theo đánh giá từ đại diện Viettel, đến nay các điều kiện để triển khai mạng 5G đã rất thuận lợi. Đặc biệt, vào hôm 25/12, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức công bố chuẩn bị cho việc đấu giá băng tần 700 MHz.

Theo ông Tân, khi băng tần này được cấp cho nhà mạng, sẽ giúp các nhà mạng nâng cao vùng phủ sóng, nhất là vùng sâu vùng xa đồng thời cũng giúp quy hoạch được 2 băng tần 900 MHz và 700 MHz. Khi kết hợp lại cả băng tần thấp và băng tần cao sẽ phát huy hiệu quả mạng 5G, tiết kiệm nhiều chi phí.

"Viettel và VinaPhone cũng đã tìm ra cách để 2 nhà mạng chia sẻ cùng nhau hạ tầng 5G," đại diện Viettel tiết lộ.

Ông Tân cũng khẳng định việc Bộ Thông tin và Truyền thông dẫn dắt và cấp phát tần số cho 5G đã và đang giúp thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hạ tầng số Việt Nam. Hiện tại, thiết bị 5G đã ở mức có thể chín muồi về tính năng và giá cả cũng đã ở mức chấp nhận được.

Là nhà mạng mới nhất triển khai thương mại hóa 5G vào tuần trước (20/12/2024), ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó trưởng ban Công nghệ Tập đoàn VNPT cho hay việc thương mại hóa 5G sẽ giúp VNPT khẳng định với Chính phủ, khách hàng doanh nghiệp, cá nhân về việc sẽ mang lại các giá trị mới.

“Công nghệ 5G sẽ kết hợp với các công nghệ khác như cloud, AI, big data... tạo thành hệ sản phẩm, dịch vụ để phục vụ rộng khắp các lĩnh vực, khía cạnh của nền kinh tế và toàn bộ xã hội. Đây là cơ hội để VNPT khai phá không gian kinh doanh mới," đại diện VNPT nói.

vnp-5g.jpg
Ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó ban Công nghệ Tập đoàn VNPT. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đầu tháng 3/2024, VNPT và MobiFone đã ký kết thỏa thuận hợp tác chia sẻ, hỗ trợ, khai thác, dùng chung hạ tầng viễn thông. Theo ông Khánh, thỏa thuận giữa VNPT và Mobifone sẽ chia sẻ hạ tầng, đã có thử nghiệm liên quan đến 4G và sắp tới đây là 5G, sẽ gia tăng phủ sóng, có thể lên đến khoảng 50% vùng phủ của hai bên.

"Với VNPT, trong giai đoạn đầu tiên chúng tôi sẽ triển khai ít nhất 3.000 vị trí và mở rộng rất nhanh. Theo Nghị quyết 57, phải phủ sóng 5G toàn quốc vào năm 2030. Với định hướng như vậy, chúng tôi chắc chắn sẽ gia tăng mục tiêu trong xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng. Chúng tôi hi vọng sẽ có tháo gỡ về pháp lý, chính sách, giúp nhà mạng thu hút đầu tư từ phía xã hội để phát triển hạ tầng đáp ứng tốt," ông Nguyễn Quốc Khánh chia sẻ tại Toạ đàm.

Theo ông Nguyễn Tuấn Huy - Trưởng ban Chuyển đổi số MobiFone, nhà mạng này hiện đã được cấp giấy phép băng tần C3 và đang nhanh chóng, khẩn trương làm các thủ tục để thương mại hóa 5G.

mobifone-7.jpg
Ông Nguyễn Tuấn Huy - Trưởng ban Chuyển đổi số MobiFone. (Ảnh: PV/Vietnam+)

"Nghị quyết 57 là quyết sách đúng đắn của Trung ương mở đường cho các nhà mạng rất nhiều. MobiFone sẽ sớm triển khai thương mại hóa 5G trong một vài tháng tới," ông Huy tiết lộ.

Chia sẻ quan điểm, đại diện MobiFone cho rằng công nghệ 5G sẽ mang đến nhiều cơ hội cho Việt Nam, nhưng đi cùng với đó là những thách thức rất lớn. Do vậy, Việt Nam cần truyền thông để cả xã hội hiểu được về việc công nghệ này có thể mang lại những lợi ích gì./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng ứng dụng Telegram. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Telegram lần đầu tiên thông báo lợi nhuận ròng

CEO Telegram cho biết năm 2024 là 1 năm thuận lợi như đã dự báo của Telegram và có lợi nhuận lần đầu tiên sau 3 năm cung cấp các gói đăng ký sử dụng có trả phí và hiển thị các nội dung quảng cáo.

Bộ Thương mại Trung Quốc phản đối việc Mỹ tiến hành điều tra theo Mục 301 đối với các chính sách của Trung Quốc trong ngành bán dẫn. (Nguồn: ABC News)

Trung Quốc phản đối Mỹ điều tra ngành bán dẫn

Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng cuộc điều tra sẽ gây gián đoạn, bóp méo chuỗi cung ứng và ngành bán dẫn toàn cầu, đồng thời gây tổn hại đến lợi ích của các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ.