Các nhà lãnh đạo Singapore sử dụng mạng xã hội như thế nào?

Từ những thông điệp nghiêm túc của các thành viên Nội các tới những dòng trạng thái vui vẻ, lãnh đạo Singapore được cho là thực sự “chơi” mạng xã hội theo đúng nghĩa của một cuộc vui.
Trang Facebook của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.

Theo bài viết của tác giả Michael Nguyễn gửi tới Diễn đàn BBC từ Singapore, mạng xã hội đang trở nên hết sức phổ biến tại Singapore. Thống kê cho thấy có khoảng 80%, tương đương cứ 5 người thì có 4 người sử dụng mạng xã hội, gồm Facebook, Instagram hay Twitter.

Theo thông báo của Meta hồi cuối năm 2021, có tới 4,5 triệu người dùng trong tổng số hơn 5 triệu dân ở đảo quốc Sư tử sử dụng Facebook rất tích cực.

Những người hoạt động tích cực nhất trên Facebook chính là các chính trị gia, trong đó có tổng thống, thủ tướng và các bộ trưởng, các nghị sỹ nước này.

Anh Chandreyee Ray, sinh viên ngành truyền thông của Đại học Quốc gia Singapore (NUS) có một thống kê khá thú vị về số người theo dõi, yêu thích các chính trị gia Singapore.

Đứng đầu là Thủ tướng Lý Hiển Long, người mới lập tài khoản Facebook vào tháng 4/2012, nhưng hiện đã có tới 1,7 triệu lượt người theo dõi thường xuyên, tiếp theo là các Bộ trưởng trẻ trong Nội các với vài trăm nghìn lượt người theo dõi và tương tác.

[Facebook chạm "giới hạn đỏ" trong vấn đề trẻ em sử dụng mạng xã hội]

Trong dòng trạng thái đầu tiên khi mới tạo tài khoản cá nhân trên Facebook, Thủ tướng Lý Hiển Long chia sẻ: “Nhiều đồng nghiệp tôi dùng mạng xã hội, trong đó có Facebook. Họ khuyến khích tôi lập trang cá nhân. Sau khi quan sát họ, thì tôi cũng quyết định tham gia cuộc vui này."

Ngay lập tức, dòng trạng thái này đã nhận được hàng nghìn lượt yêu thích và bình luận không chỉ của người dân mà cả người nước ngoài.

Từ những thông điệp nghiêm túc của các thành viên Nội các tới những dòng trạng thái vui vẻ, lãnh đạo Singapore được cho là thực sự “chơi” mạng xã hội theo đúng nghĩa của một cuộc vui.

Theo giới quan sát, mạng xã hội không chỉ đơn thuần là "một cuộc vui" mà là một phương tiện giúp các nhà lãnh đạo Singapore quản trị quốc gia hiệu quả, nhất là trong cuộc chiến chống COVID-19, bảo vệ sức khỏe của người dân và phục hồi, phát triển nền kinh tế trong 2 năm vừa qua.

Trong khi nhiều nước “gồng mình” sử dụng hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, các cơ sở hạ tầng, hậu cần để chống dịch và bỏ quên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội để vừa chống các luồng tin giả gây hoảng loạn cho người dân, vừa trấn an cho họ, thì các nhà lãnh đạo Singapore đã sử dụng khá tốt phương tiện này.

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các nhà lãnh đạo Singapore khéo léo sử dụng Facebook như một cách thức hữu hiệu để truyền tải các chính sách của nội các, chuẩn bị tinh thần cho người dân Singapore trong cuộc chiến chưa từng có tiền lệ này.

Đầu năm 2020, Thủ tướng Lý Hiển Long từng khuyên người dân không cần đeo khẩu trang nếu thấy khỏe, sau đó ông đã bất ngờ thay đổi quyết định này bằng cách đăng ảnh mình đeo khẩu trang trên Facebook và kêu gọi người dân ở nhà.

Thông qua việc bày tỏ lòng biết ơn những phụ nữ khéo tay tự làm khẩu trang (trong lúc kho dự trữ khẩu trang của chính quyền đang hạn chế về số lượng, cần ưu tiên lực lượng tuyến đầu), quyết định này của Thủ tướng Lý Hiển Long đã nhận được sự tán đồng của đa số dân chúng.

Trong vòng vài ngày, người dân Singapore đồng loạt đeo khẩu trang ra đường. Thông điệp đeo khẩu trang của Thủ tướng Singapore có tới 2 triệu tương tác, trong đó gần 50% dân số Singapore.

Phản ứng bình thường của mỗi người dân khi chính quyền tuyên bố bùng phát dịch COVID-19 cùng các biện pháp giãn cách xã hội là lo lắng, thậm chí hoảng loạn và không tránh khỏi tâm lý tích trữ hàng hóa.

Ngay lập tức, các nhà lãnh đạo Singapore đã hành động khá nhanh để yên lòng người dân. Bộ trưởng Nội vụ kiêm Bộ trưởng Tư pháp tới siêu thị lớn tại vùng ngoại ô, đăng cả ảnh lẫn video các kệ hàng hóa đầy ắp lên tài khoản Facebook và Instagram của mình.

Những bài viết của vị lãnh đạo này ngay lập tức được chia sẻ tới hơn 200.000 lần trong ngày. Thủ tướng Lý Hiển Long cũng tạo một video ngắn trên Facebook, đảm bảo kho dự trữ chiến lược quốc gia vẫn đầy đủ.

Bộ trưởng Công Thương đăng ảnh đón chuyến hàng rau xanh đầu tiên từ New Zealand ngay tại cảng trên Facebook cá nhân. Kết quả là chỉ 2 ngày sau đó, không còn hình ảnh người dân xếp hàng "rồng rắn" tích trữ lương thực ở siêu thị.

Theo giới phân tích, để có thể "chơi" Facebook hiệu quả, Thủ tướng Singapore có một đội ngũ chuyên nghiệp giúp ông quản lý tài khoản Facebook cá nhân, đăng tin chính thống các hoạt động của nội các.

Tuy nhiên, bản thân ông cũng thường xuyên tự viết bài và đăng ảnh tự chụp, ký tên Lý Hiển Long ở dưới.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Lý Hiển Long cũng rất chăm “báo cáo” các cuộc gặp của ông với nguyên thủ hay lãnh đạo nước ngoài, trình bày cẩn thận nội dung và kết quả cuộc gặp đó trên Facebook cá nhân. Những bài viết này thường nhận được nhiều bình luận nhất từ dân chúng Singapore.

Theo giới chuyên gia, khi lãnh đạo cởi mở thực lòng thì dân chúng cũng cởi mở, chia sẻ lại kỳ vọng của họ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục