Các nhà lãnh đạo G7 cam kết hỗ trợ 28 tỷ euro cho ngân sách Ukraine

Các nhà lãnh đạo G7 đang nhóm họp tại Elmau, miền Nam nước Đức, đã cam kết hỗ trợ tài chính cho Ukraine với số tiền lên tới 29,5 tỷ USD (khoảng 28 tỷ euro) cho năm nay.
Lãnh đạo các nước Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và lãnh đạo Liên minh châu Âu tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Elmau, Đức ngày 26/6/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ngày 27/6 cam kết tăng hỗ trợ ngân sách gần 50% cho Ukraine nhằm giúp nước này trang trải cho các dịch vụ cơ bản, trong đó có trả lương hưu và lương cho nhân viên công quyền.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, các nhà lãnh đạo G7 đang nhóm họp tại Elmau, miền Nam nước Đức, đã cam kết hỗ trợ tài chính cho Ukraine với số tiền lên tới 29,5 tỷ USD (khoảng 28 tỷ euro) cho năm nay.

Một tuyên bố được các nước G7 công bố cho biết, G7 muốn hỗ trợ Ukraine "lấp các lỗ hổng tài chính" và đảm bảo vận hành các dịch vụ công cho dân chúng.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ đó sẽ là khoản tài trợ hay một khoản tín dụng dưới dạng cho vay ưu đãi.

Trước đó, hồi cuối tháng 5/2022, các Bộ trưởng Tài chính G7 nhóm họp tại Petersberg gần thành phố Bonn của Đức cũng đã cam kết một khoản hỗ trợ trị giá 19,8 tỷ USD cho ngân sách Ukraine trong năm nay, bao gồm các khoản tiền đã giải ngân cho Ukraine từ đầu năm.

Kể từ đầu năm tới nay, G7 đã cam kết viện trợ nhân đạo tương đương hơn 2,6 tỷ euro cho Ukraine.

Các nước G7 cũng cho biết sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ nhân đạo đáng kể cho Ukraine trong tương lai, đồng thời cũng cam kết hỗ trợ Ukraine chừng nào Kiev còn cần sự hỗ trợ.

[Hội nghị thượng đỉnh G7: Ra tuyên bố về cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine]

Ngoài việc hỗ trợ Ukraine, G7 cũng cam kết thắt chặt các biện pháp trừng phạt Nga, trọng tâm là lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và công nghệ.

Theo một tuyên bố, G7 quyết tâm giảm doanh thu của Nga, kể cả từ vàng.

Các nước G7 cũng cam kết hỗ trợ Ukraine trong việc tái thiết sau xung đột. G7 cho biết "sẵn sàng hỗ trợ một kế hoạch tái thiết quốc tế" đang được Ukraine vạch ra với sự tham vấn chặt chẽ của các đối tác song phương và đa phương.

Các mục tiêu là phát triển kinh tế xanh và bền vững, chống tham nhũng...

Trước đó, phát biểu tại Quốc hội Đức, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã kêu gọi thực hiện một "Kế hoạch Marshall" để tái thiết Ukraine.

Mỹ từng thực hiện một kế hoạch Marchall từ năm 1948-1952 để giúp tái thiết Đức và các nước châu Âu khác sau chiến tranh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục