Theo báo cáo công bố trên tạp chí Analytical Chemistry (Hóa học phân tích) ngày 3/1, các nhà khoa học Trung Quốc đã phát hiện ra một đoạn dò phân tử nhỏ (small- molecule probe) có thể giúp phát hiện bệnh xơ phổi ở chuột.
Xơ phổi là một căn bệnh có thể gây tử vong, trong đó tỷ lệ người mắc bệnh ngày một gia tăng.
Các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã phối hợp với các chuyên gia từ Đại học Chiết Giang để phát triển một đoạn dò phân tử nhỏ mang tên PNO1 - có khả năng cảm nhận những đặc điểm môi trường vi mô của hiện tượng xơ phổi, điển hình là mức độ oxit nitric trong phổi của người mắc bệnh này.
Nghiên cứu cho thấy những con chuột bị xơ phổi được đặt PNO1 có mật độ huỳnh quang trong phổi cao gấp 6 lần so với những con chuột bình thường.
[[Video] Không khí ở các đô thị độc hại không khác gì khói thuốc lá]
Lượng huỳnh quang PNO1 ở phổi của chuột cũng thay đổi để thích ứng với liệu pháp điều trị bệnh xơ phổi hiện hành.
Kết quả nghiên cứu mới này được kỳ vọng sẽ ứng dụng hiệu quả trong việc bào chế thuốc chống xơ phổi trong tương lai.
Xơ phổi là một bệnh phổi xảy ra khi mô phổi bị tổn thương và sẹo hóa. Mô phổi dày và cứng gây khó khăn cho hoạt động của phổi.
Khi bệnh tiến triển, hơi thở của người mắc bệnh sẽ ngắn dần. Sẹo hóa liên quan xơ phổi có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố.
Đa số các trường hợp, bác sĩ không tìm ra nguyên nhân. Khi không xác định được nguyên nhân, tình trạng này được gọi là xơ phổi tự phát.
Các tổn thương phổi do bệnh xơ phổi gây ra không thể chữa trị, thuốc và các phương pháp điều trị chỉ có thể giúp giảm các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Phương pháp ghép phổi có thể thích hợp với một số trường hợp./.