Các nhà khoa học Mỹ ngày 16/5 thông báo đã lần đầu tiên nhân bản thành công chủng virus Zika, qua đó mở ra triển vọng cho việc điều chế vắcxin phòng ngừa loại virus nguy hiểm đang lây truyền mạnh ở hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới này.
Trong công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí Cell Host and Microbe, các nhà khoa học đến từ Đại học Texas Medical Branch (UTMB) đã lần đầu tiên nhân bản vô tính 5 đoạn gen riêng rẽ và sau đó ghép chúng lại với nhau để tạo thành một "bản sao" hoàn chỉnh của chủng virus Zika.
Sau đó, họ đã sử dụng chuột để thí nghiệm nhằm chứng minh rằng virus nhân bản cũng khiến những con chuột này bị lây nhiễm virus Zika và bị mắc bệnh liên quan đến hệ thần kinh.
Nhóm nghiên cứu cũng cho muỗi Aedes aegypti - một trong những tác nhân gây lây truyền virus Zika - hút máu người bị nhiễm virus Zika bản gốc hoặc virus Zika "nhân bản" và thấy rằng số muỗi mang virus này ở cả 2 nhóm là tương đương nhau. Điều này cho thấy virus Zika "nhân bản" có thể hoạt động mạnh như virus Zika gốc.
Các nhà khoa học nhận định việc nhân bản virus Zika là một bước tiến lớn giúp giải mã việc tại sao virus này lại có liên quan tới các bệnh nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, công trình này còn là bước tiến quan trọng trong quá trình nghiên cứu và điều chế ra vắcxin và thuốc chống virus Zika.
Cùng ngày, Bộ Y tế Belize thông báo nước này đã ghi nhận trường hợp nhiễm virus Zika đầu tiên. Thông báo cho biết bệnh nhân có kết quả dương tính với virus Zika sống tại thành phố Belize. Hiện quốc gia Mỹ Latinh này đang đẩy mạnh nỗ lực ngăn chặn virus lây lan thông qua việc mở cuộc điều tra khẩn cấp và triển khai một số hành động ứng phó.
Được phát hiện đầu tiên tại châu Phi, virus Zika sau đó lan sang châu Á và châu Mỹ Latinh, trở thành đợt bùng phát dịch mạnh nhất từ trước tới nay.
Hiện hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận các trường hợp lây nhiễm. Virus zika lây truyền qua muỗi Aedes aegypti, quan hệ tình dục và truyền máu với các triệu chứng phổ biến nhất khi bị nhiễm là sốt, viêm kết mạc, nhức đầu, đau cơ và khớp, phát ban.
Cho đến nay, chưa có vắcxin phòng ngừa hay thuốc đặc trị loại virus này./.