Ngày 7/9, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy chủ trì tọa đàm “Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn."
Cuộc tọa đàm có sự tham gia của rất nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, quản lý về văn hóa cùng đưa ra các ý kiến thẳng thắn, đóng góp ý tưởng để tổ chức lễ hội được hoàn thiện hơn, hạn chế các sự cố.
Đề dẫn hội thảo, phó giáo sư-tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, cho biết Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của quốc gia. Bắt nguồn từ một tục lệ cổ xưa của người dân vùng đất Đồ Sơn, năm 1990, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được phục hồi và liên tục được tổ chức đến ngày hôm nay.
Quá trình phục hồi và tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã đáp ứng được nguyện vọng và nhu cầu đời sống tinh thần của người dân Đồ Sơn và Hải Phòng, đồng thời giúp quảng bá hình ảnh vùng đất, con người, cũng như đóng góp vào sự phát triển chung của Đồ Sơn nói riêng, Hải Phòng nói chung.
Tuy nhiên, cũng giống như nhiều hiện tượng lễ hội được phục hồi khác trong thời gian vừa qua, việc tổ chức, quản lý Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn cũng gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc. Sự việc diễn ra gần đây nhất trong vòng loại chọi trâu ngày 11/7 vừa qua khiến một người tử vong là bài học kinh nghiệm sâu sắc không chỉ với các nhà quản lý ở Đồ Sơn, Hải Phòng.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt kế hoạch tăng cường công tác quản lý, tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn và các lễ hội, hội chọi trâu.
Tại tọa đàm, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa tên tuổi như giáo sư-tiến sỹ khoa học Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam; giáo sư-tiến sỹ Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia; giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Chí Bền… đều cho rằng Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là một sáng tạo văn hóa rất có giá trị của nhân dân Việt Nam. Lễ hội đã thỏa mãn được nhu cầu về tâm lý tín ngưỡng của người dân từ nhiều đời nay, được người dân gìn giữ, phát huy giá trị của lễ hội, coi đó là tài sản quý báu. Do đó, không có lý nào lại không ủng hộ nhân dân Đồ Sơn tiếp tục thực hiện lễ hội này và cần duy trì lễ hội từ đời này sang đời khác đúng theo bản chất tốt đẹp của lễ hội. Đó cũng là việc cần làm để duy trì sự đa dạng, khác biệt của văn hóa Việt Nam. Đại diện người dân Đồ Sơn cũng mong mỏi tiếp tục được tổ chức Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn và sẽ có những thay đổi phù hợp, tránh để xảy ra sự cố đáng tiếc.
[Xem xét đưa lễ hội chọi trâu Đồ Sơn khỏi danh mục di sản cấp quốc gia]
Đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa đồng tình cho rằng không nên bỏ Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn bởi đây là di sản văn hóa có giá trị với hàng ngàn năm lịch sử. Người dân là chủ thể sáng tạo văn hóa trong đó có các lễ hội, họ mới là chủ thể quyết định nên hay không nên tổ chức chứ không phải cơ quan chức năng hay các nhà khoa học. Việc các cơ quan chức năng cần làm là cùng góp sức với nhân dân Đồ Sơn để có phương án tổ chức, quản lý lễ hội hiệu quả nhất, tránh được các sự cố đáng tiếc và hạn chế các yếu tố lợi dụng lễ hội để trục lợi, thương mại hóa...
Các nhà khoa học cũng nhấn mạnh rằng sau thời gian dài gián đoạn, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã được phục hồi và tổ chức an toàn trong 28 năm qua, ngày càng trở nên nổi tiếng, quy mô cũng được mở rộng hơn so với trước đây. Cùng với đó, lễ hội này cũng phát sinh nhiều biểu hiện tiêu cực như mổ thịt trâu bán giá rất cao đến mức bất hợp lý; thổi giá, thu tiền bán vé không hợp lý; vấn đề cá độ, đánh bạc; đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động tổ chức lễ hội...
Những biểu hiện tiêu cực như thế này đang làm sai lệch, biến tướng lễ hội so với hồ sơ di sản đã được phê duyệt vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đưa lễ hội trở về gần hơn với ý nghĩa ban đầu, đúng giá trị bản chất; tăng cường giới thiệu ý nghĩa, nguồn gốc lễ hội; tổ chức cần chặt chẽ hơn để đảm bảo tính mạng cho chủ trâu và người xem…
Kết luận tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho rằng về lâu về dài, Hải Phòng cần có lộ trình điều chỉnh quy mô lễ hội, nhất là phần chọi trâu để mỗi phường ở quận Đồ Sơn chỉ còn một trâu tham gia đấu trong lễ hội. Từ những năm tiếp theo, Hải Phòng không tiếp tục tổ chức vòng đấu loại mà chỉ tổ chức duy nhất một cuộc đấu vào đúng ngày 9/8 âm lịch hàng năm, tiến tới chỉ còn bốn cặp đấu thay vì quá nhiều như hiện nay.
Mặt khác, Hải Phòng cần có những giải pháp căn cơ, thấu đáo để giải quyết các vấn đề lợi dụng lễ hội để trục lợi, thương mại hóa lễ hội. Đặc biệt, đơn vị tổ chức cũng cần có các phương án an toàn, chuẩn bị các công cụ hỗ trợ như súng gây mê, dụng cụ chuyên dụng… để đối phó với các tình huống xấu có thể xảy ra trong lễ hội này./.