Các nhà nghiên cứu tại Đại học Công giáo Louvain của Bỉ mới đây đã phát hiện ra mối liên hệ chặt chẽ giữa một loại enzyme trong quá trình chuyển hóa đường và một loại tổn thương tế bào mới xảy ra trong một số trường hợp bệnh Parkinson.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, nhóm nghiên cứu do Giáo sư Guido Bommer tại Viện de Duve thuộc Đại học Công giáo Louvain đứng đầu.
Các nhà nghiên cứu cho biết enzyme PARK7 có thể đóng một vai trò nào đó trong quá trình chuyển hóa đường thông qua quá trình phân hủy glucose trong cơ thể sống dưới tác dụng của enzyme.
[Các nhà khoa học Australia phát triển hydrogel điều trị bệnh Parkinson]
Các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy rằng việc vô hiệu hóa enzyme này gây ra sự tích tụ thiệt hại trong các tế bào của con người. Do đó, một số trường hợp mắc bệnh Parkinson có thể là do sự bất hoạt di truyền của enzym PARK7.
Cho đến nay, mặc dù đã có hàng nghìn bài báo khoa học về chủ đề này, nhưng chức năng của PARK7 vẫn chưa được biết đến.
Nhờ sự hiểu biết tốt hơn về các cơ chế đằng sau bệnh Parkinson, các phương pháp điều trị mới chắc chắn sẽ được phát triển trong tương lai nhằm vào nguồn gốc của căn bệnh này, thay vì tập trung vào các triệu chứng của bệnh.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí uy tín PNAS thuộc Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ và được cộng đồng khoa học quốc tế đánh giá cao.
Giống như bệnh Alzheimer, Parkinson là một rối loạn thoái hóa thần kinh do một số tế bào não bị chết. Cho đến ngày nay, giới khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân của căn bệnh tương đối phổ biến này./.