Các nhà khảo cổ học Trung Quốc tin rằng họ đã tìm thấy thi hài của nhà quân sự huyền thoại nổi tiếng nhất Trung Quốc.
Viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ học tỉnh Hà Nam cho biết họ đã phát hiện ra thi hài gần như nguyên vẹn của Tào Tháo trong một hầm mộ thuộc một tổ hợp lăng mộ khổng lồ.
Tào Tháo (155-220 Công Nguyên) là một nhà chính trị kiêm tướng quân cuối thời nhà Hán. Tên tuổi của ông đã trở nên bất hủ nhờ bộ tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa, ở đó ông được khắc họa là một nhà cầm quyền tàn nhẫn nhưng cũng đồng thời là một chiến lược gia lỗi lạc.
Năm 2009, các nhà khảo cổ lần đầu báo cáo rằng họ đã phát hiện ra một khu vực an táng rộng lớn ở huyện An Dương, tỉnh Hà Nam. Họ tin rằng đây là nơi chôn cất Tào Tháo - một tuyên bố đã vấp phải vô số sự hoài nghi.
[Ngược dòng lịch sử cùng "Tào Tháo - thánh nhân đê tiện"]
Theo hãng tin Beijing News, hoạt động khai quật đã diễn ra vào năm 2016 và 2017, nhưng chỉ mới thu được kết quả gần đây khi phát hiện ra thi hài của một người đàn ông ước chừng 60 tuổi mà các chuyên gia xác định chính là Tào Tháo.
Thi hài được cho là của Tào Tháo được mai táng bên cạnh thi hài của hai người phụ nữ, một ở độ tuổi 50 và một ở độ tuổi 20. Danh tính hai người phụ nữ này chưa được xác định, nhưng có thể họ là mẹ của hai người con của Tào Tháo - con trai trưởng Tào Ngang đã tử trận, và con trai thứ Tào Phi, người sau này trở thành hoàng đế đầu tiên của nước Tào Ngụy.
Tuy nhiên, mẹ của Tào Phi, Biện phu nhân, được cho là thọ tới 70 tuổi, nên ít có khả năng bà là một trong hai người phụ nữ được chôn ở đây.
Tổ hợp lăng mộ khổng lồ của Tào Tháo có vẻ như đã bị phá hủy một phần, tuy nhiên lại không phát hiện thấy chút gạch vụn nào trong khu vực này. Bí ẩn đáng tò mò này khiến các chuyên gia tin rằng Tào Phi đã suy nghĩ lại về lăng mộ khổng lồ của người cha.
Theo truyền thuyết, Tào Tháo đã cương quyết không cho đánh dấu ngôi mộ của mình. Thậm chí truyện còn kể rằng ông đã ra lệnh làm 72 cỗ quan tài và chôn chúng ở 72 địa điểm khác nhau trên cả nước nhằm gây rối loạn cho những kẻ trộm mộ.
Tuy nhiên, các chuyên gia phỏng đoán rằng vì để giữ trọn chữ hiếu, Tào Phi đã quyết định làm trái ý cha và chôn cất ông trong một lăng mộ với quy mô dành cho hoàng đế cũng như xây nhiều công trình kỷ niệm chính thức. Chỉ sau này, Tào Phi mới đổi ý và quyết định phá các lăng mộ đi để che giấu nơi an nghỉ của cha./.