Ngày 21/6, các nhà khảo cổ học Hà Lan thông báo đã phát hiện một địa điểm tôn giáo có niên đại 4.000 tuổi, được truyền thông nước này ví như “di tích Stonehenge của Hà Lan” bao gồm một gò chôn cất được sử dụng để tính toán lịch Mặt Trời.
Quá trình khai quật bắt đầu từ năm 2017 ở một làng nhỏ, cách Utrecht khoảng 50km về phía Đông Nam.
Sau khi nghiên cứu màu sắc và thành phần của đất sét, các nhà khảo cổ học đã thành công xác định vị trí của 3 gò chôn cất tại địa điểm khai quật, chỉ cách bờ sông Waal vài km.
Các gò đất này đã được sử dụng làm nơi chôn cất trong khoảng 800 năm. Nơi đây hiện lưu giữ khoảng 60 bộ hài cốt nam giới, phụ nữ và trẻ em.
Bên cạnh 2 gò nhỏ hơn, gò chính có đường kính khoảng 20m với các lối đi được xếp thẳng hàng để đón ánh mặt trời chiếu thẳng vào những ngày dài nhất và ngắn nhất trong năm, phục vụ mục đích tính toán lịch Mặt Trời.
[Trung Quốc: Phát hiện dấu tích một ngôi làng cổ đại hơn 3.000 năm tuổi]
Các nhà khảo cổ học cho rằng cấu trúc độc đáo trên được người cổ đại sử dụng để xác định thời điểm quan trọng trong năm, bao gồm mùa lễ hội và thu hoạch.
Theo Đài truyền hình Quốc gia Hà Lan NOS, công trình này gợi nhớ đến Vòng tròn đá Stonehenge, một công trình cổ đại huyền bí ở Anh. Trong khi đó, trang Facebook chính thức của thị trấn Tiel khẳng định đây là lần đầu tiên một địa điểm như vậy được phát hiện tại Hà Lan.
Đáng chú ý, các nhà khảo cổ học đã phát hiện một hạt thủy tinh bên trong ngôi mộ. Hạt này sau đó đã được chứng minh có nguồn gốc từ vùng Lưỡng Hà cổ đại, nay là đất nước Iraq.
Giáo sư Đại học Groningen Stijn Arnoldussen cho rằng do thủy tinh không được sản xuất ở Hà Lan thời đó, món đồ trên chắc chắn là một bất ngờ đối với người dân địa phương.
Chuyên gia Arnoldussen nhận định hạt thủy tinh này đã tồn tại hàng trăm năm trước khi được đưa đến ngôi mộ thông qua trao đổi và giao thương.
Trưởng nhóm nghiên cứu Cristian van der Linde ước tính hạt thủy tinh đã được vận chuyển trên quãng đường khoảng 5.000km cách đây 4 thiên niên kỷ./.