Các nhà hoạch định chính sách toàn cầu thảo luận về ổn định kinh tế

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Kristalina Georgieva nhấn mạnh với sự phối hợp chặt chẽ, các ngân hàng trung ương thế giới và các cơ quan tài chính giúp thế giới tránh một cuộc đại suy thoái khác.
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong phiên thảo luận ngày 21/1 về triển vọng kinh tế toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) diễn ra trực tuyến từ Davos (Thụy Sĩ), các nhà hoạch định chính sách toàn cầu đã vạch ra các hành động trước mắt và lâu dài nhằm ổn định nền kinh tế thế giới trong bối cảnh các chính phủ sẽ tiếp tục phải đối mặt với những thách thức kinh tế trong năm 2022 từ tác động của biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đến tình trạng lạm phát kéo dài.

Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, trong phiên thảo luận, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhấn mạnh với sự phối hợp chặt chẽ, các ngân hàng trung ương thế giới và các cơ quan tài chính giúp thế giới tránh một cuộc đại suy thoái khác.

Tuy nhiên, trong năm 2022, việc có được các chính sách linh hoạt là rất quan trọng trong bối cảnh nhiều yếu tố như lạm phát dai dẳng, mức nợ tài khóa kỷ lục và tình hình dịch COVID-19 kết hợp gây trở ngại phức tạp cho các nhà hoạch định chính sách.

Đặc biệt, tỷ lệ tiêm phòng phản ánh sự chênh lệch nguy hiểm giữa các quốc gia, trong đó hơn 86 quốc gia không đạt chỉ tiêu tiêm chủng vào cuối năm. Tổng giám đốc IMF kỳ vọng kinh tế sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2022 nhưng cảnh báo quá trình này đang mất đà trong bối cảnh lạm phát dai dẳng và mức nợ công kỷ lục hiện đã vượt quá 26.000 tỷ USD.

Bà Kristalina Georgieva cho biết thêm hơn 60% các nước đang phát triển đang phải gánh chịu cảnh nợ nần chồng chất, nhiều hơn gấp đôi so với một vài năm trước đây.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho biết trong cuộc khủng hoảng COVID-19, các chính sách tài khóa và tiền tệ đã cùng phát huy hiệu quả giúp ứng phó với đại dịch.

[Diễn đàn WEF 2022: Ba lĩnh vực cấp bách cần được giải quyết]

Theo bà, đến nay, Liên minh châu Âu chưa xuất hiện áp lực lạm phát nằm ngoài tầm kiểm soát và khó có thể thấy kiểu lạm phát gia tăng như tại Mỹ hiện nay; nhu cầu việc làm và mức độ tham gia vào thị trường lao động đang trở lại mức trước đại dịch.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) Kuroda Haruhiko cho biết Nhật Bản đã tương đối thành công trong việc giảm thiểu tỷ lệ tử vong do COVID-19, mặc dù phục hồi kinh tế vẫn còn chậm.

Theo ông, nợ khu vực công ở Nhật Bản hiện đã hơn 200% GDP, nhưng chính phủ dự kiến thặng dư ngân sách sẽ trở lại từ năm 2025, nợ công sẽ giảm xuống.

Ông đánh giá chính sách tiền tệ mà BOJ áp dụng là phù hợp và hoạt động tốt, giúp nền kinh tế Nhật Bản dần trỗi dậy. Dự kiến, tỷ lệ lạm phát ở Nhật Bản  khoảng 1% vào năm 2022.

Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho rằng kinh tế nước này sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022.

Bà cho biết thêm Indonesia đang cải thiện môi trường đầu tư  với một gói cải cách toàn diện về thuế, quy định và các biện pháp khuyến khích. Indonesia là nền kinh tế lớn nhất trong khu vực ASEAN nhưng bị phụ thuộc vào hàng hóa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục