Thị trường chứng khoán Mỹ trong ba ngày qua liên tục chao đảo, điển hình là ngày 9/10 các nhà đầu tư đua nhau bán tháo cổ phiếu vì lo ngại viễn cảnh không mấy sáng sủa của kinh tế toàn cầu.
Số liệu từ sàn giao dịch New York cho biết trong phiên cuối cùng trước khi đóng cửa ngày 9/10, các chỉ số chứng khoán chủ lực bị mất giá chưa từng có trong nhiều tháng qua. Chỉ số Standard&Poor's 500 bị mất giá thảm hại nhất, tới 2,07%, xuống còn 1.928,21 điểm.
Mức lao dốc sâu nhất trong sáu tháng qua này đã đẩy giá trị của Standard&Poor's 500 xuống mức đáy kể từ ngày 7/8. Chỉ số tổng hợp Nasdaq cũng mất giá tới 2,02%, tương ứng với 90,26 điểm, xuống còn 4.378,34 điểm.
Chỉ số Dow Jones của 30 tập đoàn doanh nghiệp danh giá nhất của Mỹ cũng bị giảm giá 1,97%, tương đương với 334,97 điểm, xuống còn 16.659,25 điểm. Chỉ số Russell 2000 của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng bị mất giá trung bình 2,66% .
Diễn biến này trái ngược hoàn toàn với mức tăng giá mạnh nhất kể từ đầu năm 2014 tới nay của ba chỉ số chứng khoán này trong ngày 8/10, trong đó Dow Jones tăng 1,63%, Standard&Poor's 500 tăng 1,73% và Nasdaq tăng 1,9%.
Trước đó, ngày 7/10, chỉ số Dow Jones bị mất giá 272,52 điểm, tương ứng với 1,6%, trở thành ngày giao dịch mất giá thảm hại nhất kể từ ngày 31/7.
Ông Michael Yoshikami, Tổng giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập công ty Destination Wealth Management, cho biết lý do chủ yếu khiến các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu trong ngày 9/10 vì lo ngại chiều hướng phát triển xấu của kinh tế toàn cầu.
Thông tin về kim ngạch xuất khẩu của Đức trong tháng Tám giảm mạnh nhất kể từ tháng 1/2009 và trước đó là sự sụt giảm mạnh về sản lượng công nghiệp của nền kinh tế lớn nhất châu Âu này khiến các nhà đầu tư chứng khoán lo ngại về tình trạng không vững chắc của kinh tế châu Âu nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung./.