Các nhà chế tạo hy vọng vào động lực từ trí tuệ nhân tạo

Tại hội chợ Hanover, hội chợ thương mại hàng đầu thế giới về công nghệ trong sản xuất công nghiệp, diễn ra tuần trước tại Đức, tiềm năng của AI trong lĩnh vực chế tạo trở thành tâm điểm chú ý.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TechForge)

Các nhà chế tạo đang hy vọng cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất tại các nhà máy của họ, khi người máy (robot) được sử dụng để sửa chữa các máy móc phức tạp.

Sự quan tâm của mọi người ngày càng tăng đối với việc sử dụng AI trong nhiều lĩnh vực kể từ khi OpenAI ra mắt ChatGPT vào năm ngoái.

Tại hội chợ Hanover, hội chợ thương mại hàng đầu thế giới về công nghệ trong sản xuất công nghiệp, diễn ra tuần trước tại Đức, tiềm năng của AI trong lĩnh vực chế tạo trở thành tâm điểm chú ý.

Thông qua máy tính bảng, một nhân viên trẻ của nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin HPE của Mỹ nhắn tin với trợ lý ảo được cài đặt AI, yêu cầu vận hành một cánh tay robot.

Nhà phân tích về dữ liệu Thomas Meier của HPE cho biết, để giải quyết một vấn đề về kỹ thuật, các công nhân nhà máy không còn cần một chuyên gia mà AI sẽ đảm nhận việc hướng dẫn sửa chữa.

Công ty của Mỹ này với khoảng 60.000 lao động trong năm qua đã hợp tác với Aleph Alpha, một doanh nghiệp khởi nghiệp của Đức với 50 nhân viên và được xem là một trong những đối thủ hàng đầu của OpenAI tại châu Âu.

Năng lực của Aleph Alpha là khiêm tốn so với OpenAI, công ty nhận được khoản đầu tư lớn của Microsoft.

Giám đốc điều hành Aleph Alpha, Jonas Andrulis, cho rằng đóng góp của châu Âu cho cuộc cách mạng AI không chỉ dừng lại ở việc xây dựng các quy định.

[Nguy cơ ChatGPT bị lợi dụng để lập trình phần mềm độc hại]

Cũng tại hội chợ Hanover, Siemens cũng giới thiệu một ứng dụng nhằm cải thiện hoạt động tại các nhà máy.

Hợp tác với Microsoft, tập đoàn của Đức này có kế hoạch ra mắt phiên bản mới của ứng dụng Teams trong năm nay, nhằm hỗ trợ công nhân và phát hiện lỗi trong các sản phẩm.

Microsoft và Siemens phản đối quan điểm cho rằng AI khiến người lao động mất việc, khi có những công việc nhất định phải do con người thực hiện.

Mục đích sử dụng AI là tăng hiệu quả công việc. Một lợi thế khác mà AI mang lại là góp phần giải quyết tình trạng thiếu lao động có kỹ năng, đặc biệt là tại Đức.

Tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu, khoảng 58% số doanh nghiệp thiếu lao động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục