Theo một báo cáo của Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) đưa ra ngày 20/6, các nhà báo Syria tị nạn tại Jordan, Liban và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đối mặt với nhiều mối nguy hiểm sau khi đi lánh nạn chiến tranh và xung đột tại quê nhà.
Cả nhà báo trong nước cũng như nước ngoài đều bị xem là mục tiêu tại Syria, nơi các lực lượng chính phủ, phiến quân, các nhóm thánh chiến và lực lượng người Kurd đang giao tranh trong cuộc nội chiến kéo dài suốt 5 năm qua.
RSF cho biết hàng trăm nhà báo đã rời khỏi Syria do nguy cơ trở thành mục tiêu của khủng bố và bạo lực cực đoan. Tuy nhiên, nhiều người trong số họ vẫn gặp khó khăn và lo ngại về an toàn của bản thân tại những nước mà họ tị nạn.
Báo cáo của RSF dựa trên việc phỏng vấn 24 nhà báo Syria đang tị nạn ở các nước láng giềng. Theo báo cáo, các nhà báo này phải đối mặt với sự khác biệt về các quy định cũng như điều kiện sống và làm việc, các mối đe dọa đến từ trong và ngoài nước sở tại.
Ngoài những khó khăn trên cũng như mối đe dọa bị tấn công, các nhà báo còn bị hạn chế tự do đi lại, nơi cư trú.
Báo cáo cho rằng quyền được bảo vệ của các nhà báo này đã bị cắt giảm và họ không được tiếp cận sự bảo vệ hợp pháp.
RSF cũng cho rằng việc thừa nhận một cách chính thức và hợp pháp các nhà báo Syria và công việc của họ tại những nước tị nạn sẽ giúp họ tránh được các nguy cơ trên, cũng như tạo một cơ chế pháp lý và hành chính cho hoạt động nghề nghiệp của họ.
Theo Ủy ban bảo vệ các nhà báo, kể từ năm 2013, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã sát hại ít nhất 27 nhà báo, ít nhất 11 người khác mất tích hoặc được cho là đã chết.
Trong khi đó, thống kê của RSF cho thấy ít nhất 51 nhà báo chuyên nghiệp và 144 nhà báo không chuyên đã thiệt mạng kể từ khi xung đột tại Syria bắt đầu năm 2011.
Ngoài ra, còn 50 nhà báo đang bị giam giữ hoặc bị IS hay các nhóm vũ trang cực đoan khác bắt làm con tin, hoặc biến mất không rõ nguyên nhân./.