Các ngọn núi phủ tuyết trắng ở Nepal đã mất gần 1/3 lượng băng trong hơn 30 năm qua do hiện tượng nóng lên toàn cầu. Đó là nhận định được Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đưa ra ngày 30/10 sau khi tới thăm khu vực Solukhumbu gần núi Everest - đỉnh núi cao nhất thế giới hiện nay.
Các nhà khoa học về khí hậu cho biết nhiệt độ Trái Đất đã tăng trung bình 0,74 độ C trong 100 năm qua. Tuy nhiên, mức tăng nhiệt độ tại dãy Himalaya ở Nam Á (nơi có đỉnh Everest) còn cao hơn mức trung bình toàn cầu.
Với vị trí địa lý nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc - hai trong số những quốc gia có lượng phát thải carbon lớn nhất thế giới, sông băng ở Nepal đang tan chảy nhanh hơn trong thập kỷ qua, tăng tới 65% so với thập kỷ trước đó.
Trong một thông điệp video sau khi đến thăm Solukhumbu, ông Antonio Guterres đã kêu gọi các nước chấm dứt kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch, cùng hành động để kiềm chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C, đồng thời cảnh báo rằng các sông băng tan chảy đồng nghĩa nước từ sông hồ sẽ cuốn trôi toàn bộ cộng đồng dân cư và khiến mực nước biển dâng cao lên mức kỷ lục.
[Khối sông băng lớn nhất Italy có thể biến mất trước cuối thế kỷ này]
Trong báo cáo công bố hồi tháng Sáu vừa qua, các nhà khoa học cho biết thể tích sông băng ở dãy Hindu-Kush Himalaya có thể giảm tới 75% cuối thế kỷ này do sự nóng lên toàn cầu, gây lũ lụt nghiêm trọng và thiếu nước cho 240 triệu người sống ở vùng núi.
Những nhà leo núi trở về từ Everest cũng có chung nhận xét rằng ngọn núi này hiện đã trở nên khô cằn hơn và cây cỏ không còn tươi tốt.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đang có chuyến thăm chính thức Nepal trong bốn ngày theo lời mời của Thủ tướng nước này Pushpa Kamal Dahal. Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Guterres sẽ trực tiếp thị sát những tác động do biến đổi khí hậu đối với Nepal và gặp gỡ các cộng đồng bị ảnh hưởng.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Guterres tới Nepal kể từ khi ông nhậm chức Tổng Thư ký Liên hợp quốc vào ngày 1/1/2017./.