Các Ngoại trưởng EU nhất trí thúc đẩy quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ

Ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) "tin rằng việc phát triển một mối quan hệ vững chắc hơn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU có lợi cho cả hai bên."
Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về Chính sách Đối ngoại và An ninh, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell phát biểu tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 20/7, ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí rằng khối này nên cải thiện quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên không tán thành đề nghị của Ankara về việc khôi phục đàm phán kết nạp nước này vào EU.

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp các Ngoại trưởng EU ở Brussels, quan chức phụ trách chính sách ngoại giao của EU, ông Josep Borrell, cho biết các ngoại trưởng đã thảo luận "cách thức can dự trở lại với Thổ Nhĩ Kỳ."

Theo ông Borrell, các ngoại trưởng "tin rằng việc phát triển một mối quan hệ vững chắc hơn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU có lợi cho cả hai bên."

Ông Borrell lưu ý rằng EU mong muốn Thổ Nhĩ Kỳ có động thái tích cực, cụ thể trong việc giải quyết vấn đề Cyprus phù hợp với các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc. Theo ông, đây sẽ là vấn đề then chốt trong việc thúc đẩy quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ là ứng cử viên gia nhập EU trong 24 năm qua nhưng các cuộc đàm phán gia nhập đã đình trệ từ năm 2016.

[Dấu hiệu cải thiện quan hệ song phương Liên minh châu Âu-Thổ Nhĩ Kỳ]

Ngày 10/7 vừa qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan kêu gọi khôi phục các cuộc đàm phán nước này gia nhập EU, gắn vấn đề này với việc Ankara chấp thuận Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Thổ Nhĩ Kỳ được xem là vùng đệm tự nhiên giữa EU với khu vực Trung Đông-Bắc Phi. Việc Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý kiểm soát biên giới với EU năm 2018 đã giúp ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp tìm cách tới EU. Đổi lại, nước này nhận được các khoản hỗ trợ tài chính từ Brussels. Tuy nhiên, quá trình thực hiện thỏa thuận không ít lần phát sinh mâu thuẫn.

Thời gian qua, mối quan hệ song phương cũng gặp nhiều sóng gió liên quan các hoạt động thăm dò dầu khí của Ankara ở Ðông Ðịa Trung Hải cũng như các chính sách đối với khu vực Trung Ðông-Bắc Phi, trong đó có cuộc khủng hoảng ở Lybia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục