Các nghiệp đoàn lớn của Pháp chia rẽ về cải cách luật lao động

Nghiệp đoàn CGT lớn nhất nước Pháp ngày 12/9 tổ chức hơn 180 cuộc biểu tình và đưa ra 4.000 lời kêu gọi đình công phản đối cải cách luật lao động từ phía chính phủ của Tổng thống Macron.
Các nghiệp đoàn lớn của Pháp chia rẽ về cải cách luật lao động ảnh 1Người lao động biểu tình phản đối cải cách luật lao động ở Paris, Pháp ngày 12/9. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, nghiệp đoàn CGT lớn nhất nước Pháp ngày 12/9 đã tổ chức hơn 180 cuộc biểu tình và đưa ra 4.000 lời kêu gọi đình công phản đối cải cách luật lao động từ phía chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron.

Tuy nhiên, hoạt động này cũng đã thể hiện rõ quan điểm chia rẽ giữa các nghiệp đoàn lớn tại Pháp.

Theo đó, các cuộc biểu tình và đình công nói trên nhận được sự hưởng ứng của ba nghiệp đoàn FSU, Solidaires và song không nhận được sự ủng hộ của FO, CFE-CGC và CFDT. Sự chia rẽ thậm chí còn diễn ra ngay cả trong nội bộ nghiệp đoàn.

[Quốc hội Pháp thông qua dự luật cải cách lao động của chính phủ]

Tổng Thư ký nghiệp đoàn FO Jean-Claude Mailly cho rằng không nên "sử dụng mọi lực lượng" vào thời điểm hiện nay.

Không đồng tình với quan điểm của ông Mailly, hơn một nửa trong số các chi nhánh địa phương của FO đã quyết định hưởng ứng lời kêu gọi tham gia biểu tình và đình công của nghiệp đoàn CGT.

Mặc dù "thất vọng sâu sắc" và thậm chí "tức giận" với các sắc lệnh cải cách, nhưng hai nghiệp đoàn CFDT và CFE-CGC không hưởng ứng phong trào của CGT, khi cho rằng "có nguy cơ lũng đoạn trật tự xã hội vì lợi ích kinh tế."

Cải cách luật lao động là một trong những kế hoạch cải tổ sâu rộng nhằm tự do hóa nền kinh tế mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron theo đuổi nhằm thúc đẩy tăng trưởng và đảo chiều tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức 9,5%, gần gấp 2 lần so với các nước là đối thủ cạnh tranh của Pháp ở châu Âu.

Tuy nhiên, những cải cách nói trên ngay khi được đưa ra hồi năm ngoái đã vấp phải sự phản đối của các tổ chức công đoàn và người lao động Pháp.

Những người phản đối cho rằng nội dung cải cách quá ưu ái giới chủ và đe dọa các quyền cơ bản của người lao động; theo đó các chủ doanh nghiệp có thêm nhiều lý do để biện minh cho việc sa thải người lao động, trong khi quyền lợi của người lao động bị thu hẹp, luôn phải sống trong tình trạng bấp bênh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục