Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE ) vừa công bố Nghiên cứu của giáo sư Pablo Onate, Đại học Charles III, Madrid cho rằng, các nghị sỹ Italy có mức thu nhập đứng đầu so với sáu quốc gia khác ở châu Âu như Đức, Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Vương quốc Anh.
Theo đó, các nghị sỹ của Italy được trả trung bình 11.703 euro một tháng và nhận được 4.000 euro tiền làm ngoài giờ, trong khi cường quốc kinh tế với mức tiền lương giành cho các nghị sỹ đứng thứ hai châu Âu như Đức là 7.700 euro/tháng và 4.100 euro tiền làm ngoài giờ.
Còn các nghị sỹ Pháp, Thụy Điển và Anh có mức lương hàng tháng từ 6.000-7.000 euro, các nghị sỹ ở các nước phía Nam châu Âu như Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha kiếm được ít hơn 4.000 euro mỗi tháng.
Nghiên cứu của Onate cũng chỉ ra rằng tỷ lệ lương tháng của các chính trị gia Italy so với thu nhập bình quân đầu người GDP là 5,52, trong khi ở Đức là 2,89; Pháp là 2,72 ; Vương quốc Anh là 2.60, theo sau là Bồ Đào Nha với 2,52, Tây Ban Nha là 1,96 và Thụy Điển thấp nhất trong bảy quốc gia là 1,90. Cùng với tiền lương, các nghị sỹ Italy còn bị chỉ trích vì những khoản chi phí giành cho họ .
Cũng theo báo cáo từ Liên đoàn lao động Italy (UIL) được trang Fatto Quotidiano của Italy tiết lộ, một triệu người Italy hiện kiếm sống nhờ hoạt động chính trị và làm cho nó trở thành ngành công nghiệp lớn nhất Italy.
Tổng cộng có 1,1 triệu người làm việc trực tiếp hoặc gián tiếp cho chính phủ, nhưng thực sự chỉ hơn 150.000 người làm việc trong Quốc hội, chính quyền khu vực và địa phương, trong đó có 12% chính trị gia được bầu cử.
Thực tế, phần lớn số tiền công quỹ được chi trả cho 487.949 chuyên gia tư vấn trong "vai trò hỗ trợ chính trị" nhân danh các công ty nhà nước. Đứng đầu trong số này là 390.120 nhà tư vấn được trả lương để làm việc cho các đảng chính trị trên một số hình thức nào đó.
Theo UIL, “ngành công nghiệp chính trị của Italy” tiêu tốn hết 23,9 tỷ euro từ ngân sách một năm. Chỉ tính riêng hội đồng quản trị tại gần 7.000 công ty và cơ quan nhà nước cũng chi phí hết 2,65 tỷ một năm, trong khi chi phí tiền lương cho các chuyên gia tư vấn hết 1,5 tỷ euro.
Tuy nhiên, theo UIL, dù được trả lương cao để nuôi một bộ máy hành chính đồ sộ như vậy, nhưng chính trị Italy luôn bất ổn và không đem lại hiệu quả như người dân mong đợi. Từ năm 2008 đến nay, Italy đã trải qua 4 chính phủ khác nhau./.