Việc đi lại tự do trong Liên minh châu Âu (EU) là điều hiển nhiên đối với hầu hết người châu Âu cho đến hai tháng trước, nhưng những hạn chế được đưa ra nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 đã dẫn đến việc đóng cửa biên giới nội bộ ở hầu hết các khu vực của châu Âu.
Khi tình hình dịch tễ học được cải thiện và kỳ nghỉ Hè sắp đến, các quốc gia đang dần khôi phục tự do di chuyển trong nội khối.
Nhiều nghị sỹ châu Âu đã yêu cầu khu vực Schengen trở lại hoạt động bình thường càng sớm càng tốt.
[Các nước EU mâu thuẫn trong vấn đề mở lại biên giới]
Các nghị sỹ châu Âu đang kêu gọi khôi phục việc di chuyển tự do không biên giới cho người dân, hàng hóa và dịch vụ trong khu vực Schengen. Họ muốn tăng cường hợp tác EU để đảm bảo rằng không có sự phân biệt đối xử với bất kỳ công dân EU nào.
Nghị sỹ Tanja Fajon cho biết: “Các quốc gia thành viên đã hành động một mình và giờ là lúc EU phải can thiệp trước khi quá muộn và gây ra những thiệt hại không thể khắc phục đối với Schengen.”
Theo các quy định Schengen hiện hành, các quốc gia thành viên EU có thể - trong một thời gian hạn chế - đưa ra các biện pháp kiểm tra biên giới tại biên giới nội bộ của họ trong trường hợp có mối đe dọa nghiêm trọng đối với trật tự công cộng hoặc an ninh nội bộ.
Họ phải thông báo cho Ủy ban châu Âu (EC) về việc đóng cửa này (nếu có). Ủy ban hiện vẫn giám sát các biện pháp hạn chế nhằm đối phó với đại dịch COVID-19 của từng quốc gia thành viên.
Trong gói đề xuất cho phép nối lại việc đi lại tự do an toàn trong EU, Ủy ban châu Âu hồi tuần trước đã đề nghị các quốc gia thuộc khu vực Schengen dần dần mở cửa lại biên giới nội bộ của họ. Trọng tâm là phối hợp và tôn trọng các tiêu chí chung dựa trên hướng dẫn của Trung tâm phòng chống dịch bệnh châu Âu.
Hệ thống dỡ bỏ những hạn chế theo giai đoạn có thể bắt đầu giữa các khu vực hoặc các quốc gia có mức độ dịch bệnh tương tự nhau, nhưng không nên có sự phân biệt đối xử dựa trên quốc tịch.
Mục tiêu cuối cùng là mở cửa trở lại tất cả các biên giới trên khắp EU để cho phép đi lại suôn sẻ và an toàn vì cả lý do chuyên môn và cá nhân. Tuy nhiên, không có thời gian biểu nào vì nó phụ thuộc vào tình hình dịch tễ và quyết định của các quốc gia thành viên.
Quản lý biên giới và tái áp dụng các biện pháp kiểm soát là đặc quyền của các quốc gia thành viên, nhưng kể từ khi đại dịch bùng phát, EC đã tạo điều kiện cho các hướng dẫn chung để đảm bảo rằng người lao động trong các lĩnh vực quan trọng cũng như lưu thông hàng hóa và dịch vụ trong thị trường đơn nhất được đảm bảo.
Ủy ban châu Âu cũng tạo điều kiện cho việc hồi hương gần 600.000 người châu Âu mắc kẹt ở nước ngoài và đề xuất hạn chế những người không có quốc tịch EU nhập cảnh vào EU, gia hạn đến ngày 15/6 tới./.