Các nghị sỹ Anh nỗ lực tìm ra một kế hoạch Brexit khác

Sau khi đánh bại chính phủ của Thủ tướng May vào tối 25/3, các nghị sỹ tiến hành một loạt cuộc bỏ phiếu nhằm nỗ lực tìm ra một kế hoạch Brexit khác có thể nhận được sự ủng hộ của đa số trong Quốc hội.
Cờ EU (phía trên) và cờ Anh bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở London, ngày 28/3 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cờ EU (phía trên) và cờ Anh bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở London, ngày 28/3 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mạng tin edition.cnn đưa tin, các nghị sỹ Anh đã "tước đi" quyền lực của Thủ tướng Theresa May ngày 27/3 vừa qua.

Sau khi đánh bại chính phủ của Thủ tướng May vào tối 25/3 vừa qua, các nghị sỹ đã tiến hành một loạt cuộc bỏ phiếu nhằm nỗ lực tìm ra một kế hoạch Brexit khác có thể nhận được sự ủng hộ của đa số trong Quốc hội. Với những kết quả vừa qua, có thể thấy tiến trình này sẽ còn kéo dài.

Thỏa thuận của Thủ tướng May

Thỏa thuận của Thủ tướng May đã được nhất trí với Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 11 năm ngoái. Nhìn chung, mục tiêu của thỏa thuận này là cho phép Anh chính thức rời khỏi EU, còn gọi là Brexit, vào một ngày nhất định (theo thỏa thuận ban đầu là ngày 29/3), nhưng Anh sẽ phải tuân thủ theo các quy định của EU trong "khoảng thời gian thực thi" kéo dài 21 tháng.

Điều này sẽ giúp cả Anh và EU có thêm không gian để "thở" trong khi tìm cách quy định chi tiết mối quan hệ trong tương lai.

Những người ủng hộ Brexit không thích điều này bởi vì nó có nghĩa rằng Anh sẽ phải tuân theo các quy định của Thị trường chung và Liên minh thuế quan của EU trong khi lại không có tiếng nói - điều hoàn toàn không phù hợp với "câu thần chú" của họ là giành lại quyền kiểm soát.

Thỏa thuận của bà May cũng bao gồm phương án "chốt chặn" Bắc Ireland gây tranh cãi. Về bản chất, đó sẽ là một sợi dây khẩn cấp được kéo lên nếu không tìm ra cách nào khác nhằm ngăn chặn việc cần phải xây dựng các chốt kiểm soát ở biên giới Bắc Ireland sau khi "khoảng thời gian thực thi" kết thúc.

Tại sao vấn đề này lại gây tranh cãi? Bởi "chốt chặn" này sẽ đặt toàn bộ nước Anh nằm bên trong khu vực thuế quan chung với EU. Điều này có nghĩa rằng Anh sẽ không có chính sách thương mại độc lập - vốn là vấn đề rất quan trọng đối với những người ủng hộ Anh rời khỏi EU.

Nếu các nghị sỹ nhất trí với thỏa thuận của bà May, điều đó có nghĩa rằng Anh sẽ rời EU ngày 22/5 tới và bước vào giai đoạn thực thi. Tuy nhiên, thỏa thuận của bà May đã không được thông qua, Anh sẽ phải tìm ra một con đường khác. Vậy những lựa chọn thay thế sẽ như thế nào?

Na Uy+, hay Thị trường chung 2.0

Na Uy+ - hay Thị trường chung 2.0 như cách gọi của một số người - là một Brexit "rất mềm," theo đó Anh chính thức rời EU nhưng vẫn duy trì mối liên kết gần gũi với liên minh này.

Phần "+" của kế hoạch này sẽ là một thỏa thuận thuế quan giữa Anh và EU nhằm tránh một biên giới cứng trên hòn đảo Ireland. Na Uy+ có lợi và bất lợi tùy theo quan điểm của mỗi người.

Theo kế hoạch này, Anh sẽ gia nhập Hiệp hội thương mại tự do châu Âu (EFTA), cho phép Anh trao đổi thương mại với EU và các nước thành viên khác của EFTA (gồm Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy sĩ) theo những điều khoản tương tự như hiện nay. Thông qua EFTA, Anh cũng có thể tiếp tục tư cách thành viên của mình trong Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA), có nghĩa rằng Anh vẫn có quyền tiếp cận thị trường chung EU.

[Thủ tướng May thừa nhận Anh đã cạn kiệt phương án Brexit]

Theo quy định của EFTA, ít nhất về lý thuyết, Anh vẫn có thể có những thỏa thuận thương mại của riêng mình trong khi duy trì ít hay nhiều mối quan hệ thương mại với EU. Điều này cũng giúp ngành công nghiệp dịch vụ xếp hạng thế giới của Anh chỉ bị gián đoạn ở mức thấp nhất.

Anh cũng sẽ không phải chịu sự xét xử của Tòa án Công lý châu Âu trong mọi lĩnh vực, trừ những lĩnh vực chịu ảnh hưởng của EEA. Điều quan trọng đối với một số người ủng hộ Brexit, đó là Anh có thể từ bỏ Chính sách Nông nghiệp chung và Chính sách Ngư nghiệp chung của EU. (Mặc dù chiếm chưa tới 0,05% nền kinh tế Anh, song ngành công nghiệp đánh bắt cá đóng một vai trò quan trọng trong cuộc tranh luận Brexit).

Tuy nhiên, với tư cách là một thành viên của thị trường chung châu Âu, Anh sẽ phải tuân thủ theo 4 sự lưu thông tự do-hàng hóa, dịch vụ, vốn và con người.

Người dân châu Âu được tự do đi lại trong lãnh thổ Anh là một vấn đề lớn đối với những người ủng hộ Brexit, bởi điều đó có nghĩa rằng Anh sẽ không có quyền kiểm soát đầy đủ đối với số lượng người đi qua biên giới Anh.

Anh cũng sẽ phải thực hiện các khoản đóng góp lớn cho EU, điều mà những người ủng hộ Brexit cam kết sẽ chấm dứt.

Một thỏa thuận thuế quan "độc nhất vô nhị" theo phương án Na Uy+ là điều chưa từng có tiền lệ trong EFTA, do đó không có gì đảm bảo điều này sẽ xảy ra, có nghĩa rằng câu hỏi về biên giới Ireland không cần thiết phải trả lời. Do đó, mặc dù đây có vẻ là một kế hoạch rất thông minh, song Na Uy+ vẫn vấp phải nhiều vấn đề tương tự như nhiều kế hoạch khác.

Liên minh thuế quan vĩnh viễn

Công đảng đối lập chính đang đối mặt với sự chỉ trích sâu rộng vì không đưa ra được một kế hoạch Brexit mạch lạc. Tuy nhiên, điều có thể thấy rõ là đảng này ủng hộ một liên minh thuế quan vĩnh viễn với EU, theo đó Anh sẽ có tiếng nói đối với các thỏa thuận thương mại trong tương lai.

Về cơ bản, một liên minh thuế quan là một thỏa thuận thương mại tự do giữa một số quốc gia - những nước nhất trí cùng áp dụng những mức thuế quan chung với bên ngoài. Điều đó có nghĩa rằng sẽ không có kiểm tra hải quan ở biên giới.

Tuy nhiên, vì EU là một khối thương mại lớn, EU cũng có một chính sách thương mại thống nhất đối với bên ngoài mà trong đó các nước thành viên đều có thể tác động.

Đầu tiên, cần lưu ý rằng Công đảng ủng hộ "một" liên minh thuế quan chứ không phải Liên minh thuế quan hiện nay. Nhưng trên thực tế, điều này có chút khác biệt với kế hoạch "chốt chặn" của bà May về một khu vực thuế quan chung. Hơn nữa, không có một cơ chế rõ ràng mà trong đó Anh có thể có tiếng nói trong các thỏa thuận thương mại tương lai của EU.

Những nội dung khác trong kế hoạch của Công đảng là duy trì "mối quan hệ mạnh" với thị trường chung châu Âu và vẫn áp dụng các tiêu chuẩn của EU đối với quyền của người lao động.

Các nghị sỹ Anh nỗ lực tìm ra một kế hoạch Brexit khác ảnh 1Lãnh đạo Công đảng Anh Jeremy Corbyn (phía trước) tại một phiên chất vấn của Hạ viện ở London. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngoài ra, Công đảng gần như không đưa ra chi tiết về các đề xuất của mình, cho dù cả trên trang web hay trong bài phát biểu hồi tháng Một vừa qua của ông Jeremy Corbyn.

Không thỏa thuận

Brexit có thể không có nghĩa là Brexit, nhưng không có thỏa thuận thực sự có nghĩa rằng sẽ không có thỏa thuận. Anh sẽ rời EU vào ngày 12/4 tới.

Anh sẽ trao đổi thương mại với thế giới theo những quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và sẽ rời khỏi tất cả các thể chế của EU. Điều này sẽ gây ảnh hưởng tới mọi thứ, từ nguồn cung cấp thuốc men tới việc đi lại bằng hàng không.

Đối với những người ủng hộ một Brexit mềm hơn, và đối với chính phủ, sẽ là vấn đề rất nhảy cảm nếu để Hạ viện có tiếng nói cuối cùng về Brexit không thỏa thuận.

Đối với các phương án Brexit mềm mỏng hơn, nó có nghĩa rằng Anh có thể loại bỏ mãi mãi điều mà nước này coi là viễn cảnh tồi tệ nhất - Brexit không thỏa thuận.

Đối với chính phủ, Brexit mềm hơn sẽ cho bà May cơ hội để chứng minh được rằng những người chống lại bà chỉ là thiểu số trong Quốc hội và nếu họ muốn Brexit được thực hiện, sẽ phải chấp nhận thỏa thuận của bà, nếu không điều tồi tệ hơn sẽ xảy ra.

Thỏa thuận thương mại tự do kiểu Canada

Canada và EU đã trải qua quá trình đàm phán rất tỉ mỉ trong suốt 7 năm trước khi đi tới thống nhất về Thỏa thuận Thương mại và Kinh tế toàn diện (CETA).

CETA loại bỏ 98% thuế quan giữa châu Âu và Canada đối với những loại hàng hóa nhất định và cho phép Canada tiếp cận với phần lớn thị trường dịch vụ của châu Âu.

Thỏa thuận này về cơ bản là một thỏa thuận thương mại nới lỏng hơn, theo đó loại bỏ nhiều rào cản giữa châu Âu và Canada. Tuy nhiên, bởi vì Canada không phải là một thành viên của Liên minh Thuế quan hay Thị trường chung châu Âu, kiểm tra hải quan vẫn được tiến hành.

Vì những lý do nêu trên, điều này cũng không thỏa mãn được câu hỏi về biên giới Ireland. Những người ủng hộ Brexit cứng - vốn mong muốn mối quan hệ lỏng lẻo hơn với châu Âu - ủng hộ kế hoạch này, khẳng định rằng các giải pháp sẽ không tránh khỏi phải giải quyết vấn đề biên giới này. Tuy nhiên, bản thân họ cũng chưa đưa ra bất kỳ giải pháp cụ thể nào.

Rút lại Điều 50

Đối với nhiều người, một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai là cách duy nhất để Anh có thể rút lại Điều 50 (quy định tiến trình một quốc gia thành viên rời khỏi EU) và vẫn tiếp tục ở lại EU như hiện nay.

Thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc rút lại Điều 50 sẽ rất có ích đối với những người chủ trương tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân khác. Tuy nhiên việc họ có đạt được điều đó hay không lại là một vấn đề hoàn toàn khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục