Trong một nỗ lực nhằm đối phó với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, ngày 9/12, các nghị sỹ đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ đã đề xuất một kế hoạch để đánh bại các phiến quân IS ở nước ngoài cũng như củng cố an ninh trong nước thông qua việc đẩy mạnh các cuộc không kích, tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm ngăn chặn các nguồn tài chính của IS, cũng như bổ nhiệm một quan chức mới phụ trách sứ mệnh chống tổ chức khủng bố này.
Đề xuất của các nghị sỹ trên bao gồm việc cấm các đối tượng bị tình nghi là phần tử khủng bố mua súng trong nước và thúc đẩy một số đạo luật để cải cách chương trình miễn thị thực nhập cảnh (visa) nhằm yêu cầu những quốc gia tham gia chương trình này phải cấp hộ chiếu điện tử trên toàn cầu.
Các nghị sỹ Dân chủ cũng kêu gọi nâng cao chất lượng rà soát an ninh của Cơ quan An ninh giao thông Mỹ tại các sân bay, đồng thời đề xuất một chiến lược mới nhằm ngăn chặn việc sử dụng các vật liệu tại các bệnh viện và các khu công nghiệp làm "bom bẩn."
Ngoài ra, kế hoạch trên cũng đề xuất việc bổ nhiệm một quan chức cấp cao chuyên phụ trách vấn đề chống IS, theo đó người này sẽ được "trao toàn quyền và đại diện cho những nỗ lực của Mỹ" trong việc đánh bại IS.
Bên cạnh đó, các nghị sỹ này cũng đề xuất lập ra một ngân quỹ mới dành cho Jordan và Liban nhằm giúp người tị nạn Syria vẫn có thể sinh sống gần quê hương mình, cũng như thành lập một văn phòng mới thuộc Bộ An ninh nội địa chuyên phụ trách ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan trong nước.
Trong một tuyên bố, thủ lĩnh phe Dân chủ tại Thượng viện Harry Reid nhấn mạnh kế hoạch trên là nhằm đối phó với mối đe dọa từ các cuộc tấn công khủng bố của IS trong lòng nước Mỹ bằng cách tăng cường các nguồn lực cho cộng đồng để họ sẵn sàng ứng phó kịp thời trong trường hợp xảy ra một vụ tấn công, đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt mới để chặn đứng nguồn tài chính của IS.
Thượng nghị sỹ này cũng cho rằng không có lý do gì các nghị sỹ đảng Cộng hòa từ chối hợp tác để triển khai kế hoạch trên.
Kế hoạch trên được đưa ra trong bối cảnh nước Mỹ chưa hết chấn động sau vụ xả súng tại thành phố San Bernadino, bang California, của hai phần tử bị tiêm nhiễm tư tưởng cực đoan IS cách đây hơn một tuần.
Theo Trợ lý Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) David Bowdich, các nhà điều tra đã kiểm tra các bình luận đăng trên trang mạng xã hội Facebook của nữ nghi phạm 27 tuổi người Pakistan, Tashfeen Malik và phát hiện đối tượng này đã từng thề trung thành với thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi trước thời điểm thực hiện vụ tấn công.
Trước đó, giới chức tình báo Mỹ cho biết nghi phạm Syed Farook, chồng của Malik, cũng từng liên lạc với lực lượng Hồi giáo cực đoan trên mạng xã hội vài năm trước.
Trong bài phát biểu quan trọng từ Nhà Trắng ngày 7/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama coi cuộc chiến chống khủng bố và ban hành một dự luật siết chặt quản lý súng đạn là những ưu tiên hành động hàng đầu của ông trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào đầu năm 2017./.