Các ngân hàng vẫn chậm chạp trong việc giảm tỷ lệ sở hữu chéo

Đến thời điểm này, việc thoái vốn của các ngân hàng thương mại tại một tổ chức tín dụng theo yêu cầu của Thông tư 36 diễn ra khá chậm.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng đến thời điểm này vẫn chưa được cởi bỏ, cho dù, theo quy định tại Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước về vấn đề này, thời gian thực hiện đã quá hạn hơn 4 tháng.

“Mạng nhện” sở hữu chéo

Thông tư 36 đã quy định, trong vòng một năm khi Thông tư có hiệu lực (từ 1/2/2015), các ngân hàng thương mại đang sở hữu cổ phần tại hơn hai tổ chức tín dụng khác hoặc nắm giữ trên 5% vốn cổ phần của các tổ chức tín dụng đó sẽ phải thoái vốn.

Mới đây, 16,9 triệu cổ phần của VietinBank tại Saigonbank đã được 10 nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua hết sau khi đơn vị này công bố bán bớt cồ phần theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 36.

Ngân hàng Vietcombank cũng đã tuyên bố sẽ thoái vốn tại những ngân hàng nhỏ như OCB, SaiGonBank. Còn Eximbank cũng đang đề xuất Ngân hàng Nhà nước xin thoái vốn họ đang nắm giữ tại Sacombank khoảng hơn 7%.

Tuy nhiên, xét về toàn cảnh, đây mới chỉ là bước đi ban đầu trong quá trình thoái vốn của các ngân hàng. Trên thực tế, đến thời điểm này, việc thoái vốn của các ngân hàng thương mại tại một tổ chức tín dụng khác đang diễn ra khá chậm.

  

Hiện nay, Vietcombank hiện đang nắm giữ vốn cổ phần tại 4 ngân hàng là Eximbank (8,19%), Saigonbank (4,3%), MB (9,59%), OCB là 5,07% và tại Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng (CFC) 10,91%; BIDV cũng đang sở hữu 65% vốn tại ngân hàng liên doanh Lào-Việt, 50% tại Ngân hàng liên doanh Việt-Nga...; Eximbank đang nắm giữ 8,76% cổ phần tại Sacombank.

Đánh giá về tình trạng sở hữu chéo, ông Hoàng Việt Trung, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Hà Nội cho rằng, cần phải nhìn nhận sở hữu chéo dưới hai góc cạnh khác nhau. Ở mặt tích cực sở hữu chéo có thể góp phần cải thiện năng lực về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm, thúc đẩy quản trị kinh doanh tốt hơn, mở rộng quy mô thị trường.

"Tuy nhiên, đã có hiện tượng sở hữu chéo mang tính thâu tóm và chi phối nên có biểu hiện không lành mạnh, có thể sẽ dẫn đến hoạt động lũng đoạn tại ngân hàng," ông Trung nhấn mạnh.

Một số chuyên gia cho rằng, Thông tư của Ngân hàng Nhà nước yêu cầu giảm tỷ lệ sở hữu của ngân hàng thương mại xuống 5% là điều hợp lý để quyền lực được dàn trải ra. Vì trong hoạt động ngân hàng, một cổ đông có lượng cổ phiếu khoảng 5% đã là rất lớn và với tỷ lệ này thì chỉ cần khoảng 10 cổ đông hợp tác với nhau là có thể có tỷ lệ khống chế cả ngân hàng.

​Sở hữu chéo, đầu tư chéo tiềm ẩn rủi ro hệ thống và bóp méo cạnh tranh. Khi các tổ chức tín dụng liên kết thành một “mạng nhện” sẽ nảy sinh độc quyền nhóm. Liên minh tổ chức tín dụng này có thể đủ sức mạnh để chi phối lãi suất, tỷ giá và kể cả chính sách, dẫn đến rủi ro mang tính hệ thống. Điều này có thể gây xáo trộn thị trường và thiệt hại cho nền kinh tế.

Ngoài ra, sở hữu chéo, đầu tư chéo làm gia tăng nguy cơ rủi ro chéo giữa các khu vực thị trường trên thị trường tài chính quốc gia. Chẳng hạn, việc các tổ chức tín dụng bơm vốn cho công ty con hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm và ngược lại công ty con thực hiện các giao dịch phục vụ lợi ích của tổ chức tín dụng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao và khả năng lan truyền rủi ro giữa các khu vực thị trường tài chính.

Điển hình gần đây nhất đã xôn xao dư luận là việc Eximbank tổ chức hai lần Đại hội đồng cổ đông không thành công là do tranh giành "ghế." Lần đầu tiên trong năm nay là vào ngày 29/4 Eximbank hoãn tổ chức do không đủ tỷ lệ cổ đông có quyền biểu quyết tham dự. Vào thời điểm đó, có hai nhóm cổ đông lớn gửi thư yêu cầu cơ cấu lại số lượng thành viên Hội đồng quản trị nhưng đến phút chót, chính họ bất ngờ không tham dự.

Tuy nhiên, đến ngày 24/5 Đại hội đồng cổ đông Eximbank lại đổ vỡ, cho thấy sự bế tắc chưa có điểm dừng của ngân hàng này.

Giao dịch tại Sacombank. (Nguồn: TTXVN)

Còn tại Sacombank, sóng ngầm cũng không kém. Tìm hiểu sâu xa nguồn cơn, sau việc Ngân hàng Nhà nước bất ngờ phát đi thông tin ông Trầm Bê ủy quyền toàn bộ 51% số cổ phần đang nắm giữ tại Sacombank và cơ quan này sẽ cử đại diện vốn. Được biết, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã họp, dự kiến ứng cử cho vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank. Việc Sacombank thông báo hoãn đại hội cổ đông, ngoài lý do về câu chuyện nhân sự, có thể còn liên quan nhiều đến chờ minh bạch báo cáo tài chính và kết quả kinh doanh của nhà băng này.

Xét chuyện của Eximbank, Sacombank, một chuyên gia cho rằng sở dĩ vẫn có sóng ngầm là bởi gốc rễ sở hữu chéo tại hai nhà băng vẫn khá chằng chịt. Với nhóm cổ đông đang lăm le muốn ngồi vào ghế thành viên Hội đồng quản trị thì đây là miếng bánh lợi ích bởi ai cũng muốn dẫn dắt ngân hàng. Điều quan trọng, những người ngồi ghế thành viên Hội đồng quản trị phải thực sự đại diện cho tiếng nói và lợi ích chính đáng của một nhà băng.

Cần phải giải quyết triệt để

Để sở hữu chéo diễn ra chậm chạp như hiện nay, một luật sư cho rằng, chưa triệt để chủ yếu vẫn đến từ các cơ quan quản lý, các văn bản nêu ra quy định nhưng không rõ lộ trình và không kiên quyết đưa ra các biện pháp xử lý nếu các tổ chức tín dụng vi phạm không thực hiện theo đúng thời hạn đã nêu.

Tuy nhiên, về phía các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng, việc thoái vốn cũng đang gặp khó khi giá cổ phiếu ngân hàng xuống thấp chưa từng có nên ngân hàng khó bán, mặt khác, giá thấp như vậy nên các ngân hàng cũng “chần chừ” vì không muốn “thiệt thòi” cho các cổ đông khi giao dịch chuyển nhượng.

Vị luật sư này nhấn mạnh, dù thế nào thì việc thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu giữa các ngân hàng thương mại các tổ chức tín dụng khác sớm hay muộn cũng sẽ phải được thực hiện.

Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần chia sẻ, muốn bán bớt cổ phần cũng không phải dễ dàng vì quy định cho nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tại ngân hàng chưa được nới nhiều nên khó thu hút. Ngoài ra, kinh doanh ngân hàng giờ không thuận lợi như trước nên không phải nhà đầu tư nào cũng mặn mà rót vốn./.

Ông Hoàng Việt Trung, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Hà Nội chia sẻ về vấn đề sở hữu chéo ngân hàng.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục