Các ngân hàng trên toàn cầu, trong đó có Citigroup và HSBC, đang đẩy mạnh các nỗ lực cung cấp dịch vụ cho các công ty công nghệ mới đang phát triển nhanh của châu Á, trong bối cảnh sự cạnh tranh gia tăng trong mảng dịch vụ truyền thống.
Mảng dịch vụ phục vụ các nhu cầu hoạt động của các công ty như tài chính thương mại hay quản lý tiền mặt đang là nguồn lợi nhuận ổn định mà không đòi hỏi số vốn lớn cho các ngân hàng ở châu Á, khu vực thương mại lớn nhất trên thế giới.
Dù cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa gây ra tác động mạnh, một phần nhờ thỏa thuận tạm thời giữa hai nước này về hoãn thực hiện kế hoạch tăng thuế từ ngày 1/1/2019, giới phân tích nhận định những căng thẳng đã ảnh hưởng đến triển vọng của các nền kinh tế châu Á và thương mại hàng hóa, khiến lĩnh vực dịch vụ trở nên hấp dẫn hơn.
Theo quản lý cấp cao của các ngân hàng và các nhà tư vấn, mục tiêu mà các ngân hàng nhắm đến là các công ty thương mại điện tử, các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán di động và các công ty cung cấp dịch vụ chia sẻ xe, từ Ant Financial của Trung Quốc và Grab ở Đông Nam Á tới PayTM and Flipkart ở Ấn Độ.
[Việt Nam sắp trở thành trung tâm công nghệ tài chính ở Đông Nam Á?]
Rajesh Mehta, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương phụ trách các giải pháp thương mại và tài chính của Citi, cho biết châu Á đang chứng kiến tốc độ số hóa tiền mặt diễn ra nhanh chóng và nhu cầu về nền tảng giao dịch trực tuyến gia tăng và nhu cầu quản lý tiền mặt của các công ty về thương mại điện tử với chuỗi phân phối trải dài trong khu vực đang là cơ hội tốt, khi các công ty này phát triển và mạng lưới chuỗi cung ứng lớn hơn và phức tạp hơn.
Doanh thu của Citi từ các khách hàng trong lĩnh vực công nghệ, bao gồm các các công ty thương mại điện tử, cho tới thời điểm này của năm nay tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, và so với mức tăng 17% của năm 2017, và đây là phân khúc tăng trưởng mạnh nhất trong mảng giải pháp thương mại và tài chính tại châu Á-Thái Bình Dương của họ.
Các quan chức ngành ngân hàng cho rằng tăng trưởng trong phân khúc khách hàng công nghệ có thể sẽ gia tăng nhờ lượng giao dịch liên quan đến các nền tảng kỹ thuật số ở châu Á tăng vọt và khi nhiều công ty công nghệ mở rộng hoạt động ra nước ngoài, nhờ đó hạn chế tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Theo công ty tư vấn Accenture, thị trường thương mại kỹ thuật số ở châu Á-Thái Bình Dương dự kiến tăng gấp đôi, lên hơn 1.100 nghìn tỷ USD vào năm 2022, chiếm gần 2/3 toàn cầu./.