Tính đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng thương mại đều đã công bố kết quả kinh doanh quý 1, mặc dù đây thường là quý có tăng trưởng dư nợ chậm nhất trong năm nhưng năm nay không ít nhà băng đã đưa ra thông tin lãi nghìn tỷ đồng, đặc biệt là sự bứt phá của một số ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ.
Ngân hàng nhỏ bứt phá mạnh mẽ
Mặc dù con số lợi nhuận chưa đạt tới nghìn tỷ đồng nhưng một số nhà băng này đã có sự tăng trưởng tính bằng lần chứ không phải phần trăm như các năm trước. Đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng cho ngành ngân hàng nói riêng cũng như nền kinh tế nói chung.
Bứt phá mạnh nhất có thể phải kể đến VIB, theo đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt hơn 518 tỷ đồng, gấp hơn 3,3 lần cùng kỳ năm 2017 và đạt 134% so với kế hoạch quý 1. Bên cạnh đó, doanh thu của ngân hàng tăng 49% so với cùng kỳ, nhờ thu nhập lãi thuần tăng 52% và lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 125%. Chi phí được quản lý tốt dẫn đến chỉ số hiệu quả chi phí/doanh thu (CIR) giảm đáng kể ở mức 51%.
[Thống đốc Lê Minh Hưng: Dự trữ ngoại hối đã đạt mức kỷ lục 53 tỷ USD]
Doanh thu của mảng ngân hàng bán lẻ của VIB đạt mức tăng trưởng 101% so với cùng kỳ năm trước. Dư nợ khách hàng cá nhân tiếp tục tăng 12% trong quý 1, đạt 56.500 tỷ đồng. Năm 2017, tốc độ tăng trưởng dư nợ khách hàng cá nhân của VIB là 83%.
Tiếp đến là HDBank, đây là ngân hàng vừa niêm yết đầu năm 2018 nhưng đã công bố kết quả kinh doanh ấn tượng với lợi nhuận quý 1 đạt 1.045 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần cùng kỳ 2017. Trong đó HDBank riêng lẻ đạt 851 tỷ đồng, tăng 201,8% so với cùng kỳ năm trước và đạt 27,5% kế hoạch 2018. ROA đạt 1,5%; ROE đạt 19,2.%. Nợ xấu được kiểm soát chặt ở mức rất thấp, chỉ chiếm 1,22%.
TPBank cũng đã có con số tăng trưởng khá ấn tượng. Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết, tính đến hết tháng Ba, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt hơn 513 tỷ đồng, tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, tổng vốn huy động của ngân hàng cũng đạt trên 110.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp 0,95%.
Ông Hưng nhấn mạnh, lợi nhuận đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi không phải từ các khoản bất thường khác. Thu từ hoạt động dịch vụ ngân hàng tăng trưởng tốt. Trong đó, riêng bán sản phẩm bảo hiểm qua hệ thống ngân hàng tại các chi nhánh hiện đang thu về 20 tỷ mỗi tháng.
Năm 2018, nhà băng này đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận sau thuế gần gấp đôi so với 2017, tăng 82,65% với số tuyệt đối là 2.200 tỷ đồng; tổng tài sản tăng 11% lên gần 140.000 tỷ đồng và kiểm soát nợ xấu ở dưới mức quy định.
Ba năm trở lại đây VPBank đang cho thấy sự bứt phá mạnh mẽ mà chưa có đối trọng khác bám đuổi được trong cùng khối và năm nay vẫn duy trì được đà tăng trưởng tốt. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế của ngân hàng này trong quý 1 đã đạt 2.619 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong quý 1 mà VPBank đạt được từ trước tới nay, tương đương 24% kế hoạch của năm 2018, vượt xa mức 15% mà ngân hàng đặt ra cho quý đầu tiên theo công bố tại Đại hội cổ đông hồi đầu năm.
Lãnh đạo VPBank cho biết, ngay trong những tháng đầu năm 2018, VPBank đã đẩy mạnh hoạt động kinh doanh nhằm tiếp tục duy trì đà tăng trưởng đã được tạo lập trong những năm trước đó, giúp tổng thu nhập hoạt động hợp nhất (TOI) của ngân hàng đạt 7.660 tỷ đồng, tăng 42% so với quý 1/2017 và đạt 23% tổng kế hoạch TOI của năm 2018.
Ngoài ra, SHB cũng là một trong những ngân hàng có con số lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng với 502 tỷ đồng trong quý 1, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2017. Với kết quả này, tại Đại hội cổ đông của SHB, lãnh đạo ngân hàng này tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2.050 tỷ đồng năm 2018, tăng 6,5% so với năm 2017.
Chủ động trích lập dự phòng
Tại báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, các chuyên gia cũng nhận định, tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng cũng được tăng lên, mặc dù vẫn ở mức thấp so với các tiêu chuẩn quốc tế. Trong năm 2018, lợi nhuận của các ngân hàng sẽ tiếp tục được cải thiện, các ngân hàng hiện đã có khả năng tăng cường các khoản trích lập dự phòng và xây dựng các khoản “đệm vốn” cho những tài sản có vấn đề. Với tốc độ này, sẽ có thêm nhiều ngân hàng có thể trích lập cho toàn bộ số trái phiếu Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) trước thời điểm cuối năm 2018.
Điều này đã được thể hiện tại các báo cáo của một số ngân hàng thương mại khi mà lợi nhuận được chiết xuất sau khi ngân hàng thực hiện trích lập dự phòng rủi ro.
Điển hình là trong quý đầu năm nay, BIDV đã tăng gấp 2,6 lần chi phí dự phòng rủi ro so với cùng kỳ năm trước. Các hoạt động kinh doanh trong 3 tháng đầu năm đều có kết quả lãi cao hơn cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thu nhập lãi thuần của ngân hàng tăng 34,7% đạt 9.165 tỷ đồng. Lãi từ dịch vụ tăng 29,8% so với cùng kỳ, đạt 745 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối đem về khoản lãi 214 tỷ đồng, tăng 75%.
Mặc dù các hoạt động kinh doanh có kết quả tích cực và chi phí hoạt động giảm mạnh nhưng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng chỉ tăng nhẹ 9% so với cùng kỳ, đạt 2.485 tỷ đồng. Lý do là BIDV đã phải trích tới 6.013 tỷ đồng (tăng gấp 2,6 lần cùng kỳ) cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.
Tại Đại hội cổ đông của VietinBank, lãnh đạo ngân hàng này cũng cho biết, trong năm nay sẽ tất toán xong nợ xấu đã bán cho VAMC và trong quý 1 này VietinBank tiếp tục gia tăng trích lập dự phòng hơn 2.400 tỷ đồng, mặc dù vậy lợi nhuận vẫn tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm qua.
Đối với Vietcombank, mặc dù ngân hàng này đã mua hết số nợ xấu đã bán trước đó cho VAMC nhưng trong quý 1 này ngân hàng vẫn tiếp tục trích lập thêm gần 1.500 tỷ đồng.
Một số nhà băng khách như Techcombank và MB cũng đã tất toán xong nợ xấu tại VAMC trong năm 2017. Việc trích lập vẫn tùy theo thực tế kinh doanh các quý của năm 2018, nhưng chất lượng lợi nhuận cũng nằm trong tốp cao của các nhà băng.
Lãnh đạo cấp cao của một ngân hàng cổ phần bộc bạch, đây là thời kỳ mà các ngân hàng buộc phải quay về giá trị thực của hoạt động ngân hàng. Các nhà băng phải tăng cường trích lập dự phòng để hoạt động lành mạnh, an toàn chứ không phải là sự đánh bóng với con số lợi nhuận không phản ánh đúng tình trạng sức khỏe.
"Bởi vậy, việc đẩy mạnh trích lập dự phòng trong các quý trong năm là cần thiết. Các ngân hàng cũng tránh được cú sốc sụt giảm lợi nhuận cuối năm,” vị lãnh đạo này bình luận./.