Các ngân hàng thế giới: Tình trạng lạm phát thấp không kéo dài

Phát biểu tại một hội nghị quốc tế của nhóm G30, lãnh đạo ECB, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và Fed đều nhận định tình trạng lạm phát thấp trên thế giới sẽ không kéo dài.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Janet Yellen. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trong bối cảnh tình hình kinh tế đang trên đà phục hồi, ngày 15/10, giới chức Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự báo tỷ lệ lạm phát trong khu vực sẽ đi lên dù tiền lương vẫn tăng trưởng yếu.

Phát biểu tại một hội nghị quốc tế của nhóm G30 - một tổ chức tham vấn về các vấn đề tiền tệ và kinh tế quốc tế gồm các tổ chức tài chính và ngân hàng của nhiều nước trên thế giới - được tổ chức ở Washington, Phó Chủ tịch ECB Vitor Constancio nhận định sự "lệch pha" giữa một bên là hoạt động kinh tế mạnh mẽ và một bên là lạm phát cùng tiền lương thấp là một trong những đặc điểm nổi bật của quá trình phục hồi kinh tế đang diễn ra, và thực tế này hiện diện ở hầu khắp các khu vực.

Tuy nhiên, ông Constancio bày tỏ sự tin tưởng rằng khi các nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đạt được tiềm năng tăng trưởng, điều này sẽ giúp tỷ lệ lạm phát, vốn ở mức thấp trong một thời gian dài, sẽ quay trở về mức mục tiêu trong trung hạn. Quan chức ECB cũng cho rằng khả năng lạm phát có thể chạm ngưỡng mức mục tiêu còn phụ thuộc nhiều vào việc điều chỉnh chính sách tiền tệ đang tiếp diễn.

[IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên 3.6% năm nay]

Trong tháng 9 vừa qua, tỷ lệ lạm phát ở khu vực Eurozone duy trì ở mức 1,5%, thấp hơn hẳn so với mục tiêu 2% của ECB. Dự kiến, trong tháng này, ECB sẽ công bố quyết định có tiếp tục gia hạn chương trình mua trái phiếu cho đến năm 2018 hay bắt đầu thu hẹp chương trình này.

Cũng tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda nhận định việc tiền lương tăng khiêm tốn và lạm phát thấp có liên quan đến đà tăng của nền kinh tế. Sau một giai đoạn dài tăng trưởng thấp, các doanh nghiệp trở nên thiếu chắc chắn về mức thu nhập trong tương lai và do đó miễn cưỡng nâng lương cho người lao động.

Tuy nhiên, ông Kuroda cho rằng các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ sớm đối mặt với sức ép tăng lương, và trên thực tế một số công ty trong lĩnh vực dịch vụ đã phải thực hiện điều này.

Quan chức này cũng khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục theo đuổi chương trình nới lỏng tiền tệ hiện tại để đạt mục tiêu ổn định giá ở thời điểm sớm nhất có thể, trong nỗ lực kéo lạm phát đi lên và hướng tới mức mục tiêu 2%.

Trong khi đó, mặc dù cũng đang trải qua tình trạng lạm phát thấp, song Mỹ vẫn nổi lên trong số những nền kinh tế phát triển khi thực hiện lộ trình tăng lãi suất cơ bản và bắt đầu thu hẹp quy mô chương trình mua tài sản.

Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen cho biết hầu hết các nhà hoạch định chính sách tiền tệ nước này đều tin tưởng lạm phát thấp chỉ là tạm thời và sẽ tăng trở lại vào năm sau.

Hiện nhiều nhà phân tích đều dự đoán Fed sẽ nâng lãi suất cơ bản lần thứ ba trong năm nay vào tháng 12 tới, trong khi các nhà hoạch định chính sách Mỹ cũng nhận định thể chế tài chính này sẽ tiếp tục thực hiện thêm 3 lần nâng lãi suất nữa trong năm 2018./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục