Các ngân hàng lớn vượt qua cú sốc đại dịch một cách đáng kinh ngạc

Sau khi trải qua cú sốc do dịch, phần lớn thời gian của năm 2020 và quý 1 năm 2021, các ngân hàng lớn của Mỹ thông qua giao dịch cổ phiếu và trái phiếu đã đạt được hiệu quả kinh doanh đáng kinh ngạc.
Các ngân hàng lớn vượt qua cú sốc đại dịch một cách đáng kinh ngạc ảnh 1Một trụ sở Citibank. (Nguồn: retailbankerinternational.com)

Sau khi trải qua cú sốc do đại dịch COVID-19, nhiều ngân hàng lớn trên toàn cầu đã “lội ngược dòng” ngoạn mục khi các nền kinh tế phục hồi.

Tuy nhiên, trong môi trường lãi suất vẫn thấp khi dịch tiếp tục lây lan, đe dọa quá trình phục hồi kinh tế, lợi nhuận của các ngân hàng có phá vỡ được những kỷ lục đã đạt được hay không là điều còn để ngỏ.

Phục hồi mạnh mẽ từ đại dịch

Trong quý 3 năm 2021, lợi nhuận của bốn ngân hàng lớn nhất tại Mỹ là Citigroup, Bank of America (BofA), Wells Fargo và Morgan Stanley đều có mức tăng hai chữ số, khi nền kinh tế nước này phục hồi đã góp phần giảm số nợ xấu.

Một số ngân hàng như BofA đã chứng kiến hoạt động cho vay tăng đáng kể so với những tháng đầu bùng phát dịch, một dấu hiệu cho thấy niềm tin vào nền kinh tế Mỹ được cải thiện. 

BofA cho biết lợi nhuận ròng tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 7,26 tỷ USD, hay 85 xu Mỹ/cổ phiếu, vượt so với dự báo của các nhà phân tích trên phố Wall là 70 xu/cổ phiếu. Trong khi đó, Wells Fargo công bố lợi nhuận tăng 59%. 

[Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ dự kiến tăng lãi suất 3 lần trong 2022]

Cả hai ngân hàng đều được hưởng lợi khi sử dụng khoản dự phòng khi đại dịch bùng phát cho khả năng các khoản vay không được thanh toán, nhờ đó thúc đẩy lợi nhuận.

Wells đã "giải phóng" 1,7 tỷ USD từ khoản dự phòng nợ xấu 8,4 tỷ USD được dành ra vào quý II năm ngoái, khi đại dịch nghiêm trọng nhất, với hàng triệu người Mỹ mất việc làm và nền kinh tế lao dốc.

Trong khi đó, kết quả kinh doanh khả quan của Morgan Stanley có được là nhờ các hoạt động sáp nhập và niêm yết cổ phiếu trong năm nay.

Lợi nhuận của Citigroup tăng 48% nhờ ngân hàng này xóa được 1,2 tỷ USD các khoản nợ xấu. Doanh thu từ đầu tư của Citigroup tăng gần 40%. Ngân hàng này hưởng lợi từ việc thị trường chứng khoán đi lên và các công ty quan tâm đến hoạt động niêm yết cổ phiếu và sáp nhập.

Tại châu Âu, lợi nhuận trước thuế của tập đoàn tài chính đa quốc gia HSBC của Anh trong quý 3 năm 2021 tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái lên 5,4 tỷ USD.

Lợi nhuận sau thuế tăng từ 2,2 tỷ USD lên 4,2 tỷ USD. 90% lợi nhuận của HSBC đến từ thị trường châu Á, trong đó Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) là những động lực tăng trưởng lớn của ngân hàng này.

Giám đốc điều hành của HSBC, Noel Quinn, cho biết ngân hàng này đang phục hồi từ đại dịch COVID-19 và quá trình tái cơ cấu, với khả năng sinh lời bền vững hơn. Dù vẫn giữ lập trường thận trọng với môi trường rủi ro bên ngoài, nhưng HSBC tin rằng ngân hàng này đã vượt qua sự sụt giảm trong các quý gần đây.

Mặc dù dịch gây ra những tác động lớn trên toàn cầu, các ngân hàng lớn vẫn thu được lợi nhuận ấn tượng. Theo số liệu thống kê được công bố ngày 3/8, trong vòng một năm, tổng lợi nhuận của 12 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ và châu Âu đạt hơn 170 tỷ USD, trở thành năm bội thu nhất trong lịch sử.

Lợi nhuận của nhiều ngân hàng đã lập kỷ lục mới. JPMorgan Chase ghi nhận kết quả hoạt động kinh doanh nổi bật nhất với lợi nhuận 47,8 tỷ USD, có nghĩa với mỗi ngày “bỏ túi” 131 triệu USD, mức cao nhất từ trước đến nay.

Bên cạnh đó, Goldman Sachs và Morgan Stanley cũng phá vỡ kỷ lục lợi nhuận, lần lượt đạt 20,2 tỷ USD và 13,7 tỷ USD.  

Sau khi trải qua cú sốc do dịch, trong phần lớn thời gian của năm 2020 và quý 1 năm 2021, các ngân hàng lớn của Mỹ thông qua giao dịch cổ phiếu và trái phiếu, cũng như cung cấp dịch vụ tư vấn giao dịch cho doanh nghiệp, đã đạt được hiệu quả kinh doanh đáng kinh ngạc. 

Ngoài ra, cùng với nền kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi, các ngân hàng lớn cũng bắt đầu cắt giảm dự phòng rủi ro cho vay.

Sau nhiều tháng thực hiện các biện pháp hạn chế để phòng chống dịch bệnh, hoạt động doanh nghiệp gia tăng đã phản ánh tâm lý lạc quan đối với nhiều lĩnh vực của nền kinh tế toàn cầu. 

Triển vọng lợi nhuận còn để ngỏ

Mặc dù đạt lợi nhuận kỷ lục, các ngân hàng hàng đầu toàn cầu vẫn đối mặt với một loạt thách thức trong thời gian tới như môi trường lãi suất thấp, hoạt động giao dịch chậm lại.

Do dịch vẫn lây lan với sự xuất hiện của biến thể mới, lãi suất ở mức thấp kỷ lục sẽ tiếp tục gây sức ép đối với doanh thu từ hoạt động cho vay của ngân hàng. Vì vậy, việc liệu ngành ngân hàng có thể phá vỡ kỷ lục lợi nhuận hay không vẫn là điều còn để ngỏ. 

Các ngân hàng lớn vượt qua cú sốc đại dịch một cách đáng kinh ngạc ảnh 2Trụ sở HSBC. (Nguồn: Bloomberg)

Đại dịch COVID-19 bùng phát trong hai năm qua đã khiến kinh tế toàn cầu kiệt quệ. Các ngân hàng trung ương buộc phải tung ra hàng loạt chính sách nới lỏng tiền tệ để kích thích nền kinh tế.

Tuy nhiên, đây lại là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng lạm phát tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Hiện lạm phát ở nhiều nước đang tăng nhanh, nhưng lãi suất dài hạn lại hầu như không tăng.

Ông Tobias Adrian, Cố vấn tài chính kiêm Giám đốc Ban Thị trường vốn và tiền tệ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cho rằng các ngân hàng trung ương toàn cầu sẽ phải đối mặt với sự đánh đổi khó khăn giữa việc hỗ trợ đà phục hồi kinh tế, giải quyết lạm phát và duy trì ổn định tài chính giữa bối cảnh triển vọng lạm phát rất bất ổn.

Ông Adrian nói rằng nếu lạm phát thực sự kéo dài hơn dự đoán hiện tại của giới đầu tư và các nhà hoạch định chính sách, các ngân hàng trung ương sẽ phải đối mặt với sự đánh đổi khó khăn.

Theo ông, các ngân hàng trung ương sẽ phải giải quyết tình trạng lạm phát phi mã khi nền kinh tế thực tế ở nhiều quốc gia vẫn ở dưới mức trước đại dịch.

Ông Adrian giải thích rằng nếu các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ, điều đó sẽ giúp ích cho nền kinh tế thực, nhưng ngược lại cũng có thể “châm ngòi” cho lạm phát leo thang.

Còn nếu thắt chặt chính sách, các ngân hàng trung ương có thể kiềm chế lạm phát, song lại tạo ra lực cản cho đà phục hồi kinh tế.

Các ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ đang chuẩn bị cho khả năng lạm phát cao kéo dài, khi thực hiện các đợt kiểm tra năng lực của hệ thống nội bộ, theo dõi khả năng trả nợ của các khách hàng trong những lĩnh vực dễ bị ảnh hưởng, xây dựng các chiến lược phòng trừ rủi ro và tư vấn khách hàng thận trọng trong các thương vụ mua lại và sáp nhập (M&A).

Lạm phát cao thường được cho là nhân tố có lợi cho các ngân hàng, vì nó làm tăng thu nhập lãi ròng và nâng cao khả năng sinh lời. Nhưng nhiều lãnh đạo cấp cao trong ngành ngân hàng cảnh báo lạm phát tăng cao quá nhanh sẽ trở thành một trở ngại.

Các nhóm đánh giá rủi ro của các ngân hàng đang theo dõi những rủi ro tín dụng trong các lĩnh vực dễ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi lạm phát, như ngành công nghiệp và chế tạo, hay ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu.

Bên cạnh đó, các khách hàng cần thêm vốn để vượt qua thời kỳ lạm phát cao này được tư vấn nên tăng vốn trong điều kiện thuận lợi như hiện nay, khi lãi suất vẫn đang khá thấp.

Lãnh đạo các ngân hàng đầu tư cũng đang đánh giá xem liệu lạm phát cao và sự thắt chặt chính sách tiền tệ có thể làm gián đoạn các thương vụ mua lại và sáp nhập (M&A) và hoạt động phát hành cổ phiếu hay không.

Phần lớn các chuyên gia phân tích cho rằng các ngân hàng có các mảng kinh doanh đa dạng có thể hoạt động tốt nhất trong thời kỳ lạm phát cao kéo dài này.

Trong bối cảnh sức ép lạm phát tăng cao, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell hồi tháng trước cho biết Fed có thể sẽ đẩy nhanh việc cắt giảm các nỗ lực hỗ trợ thúc đẩy kinh tế. Bên cạnh việc thu hẹp chương trình mua trái phiếu, giới phân tích nhận định Fed có thể sẽ sớm tăng lãi suất cơ bản.

Nhưng dù các ngân hàng đối mặt với những trở ngại, Brian Moynahan, Giám đốc điều hành BofA, có quan điểm tương đối lạc quan về triển vọng tăng trưởng tín dụng, cho rằng tín dụng thương mại sẽ không giảm, khi các công ty cần tuyển dụng công nhân để tăng cường tồn kho và đáp ứng nhu cầu khách hàng liên tục tăng trưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục