Các ngân hàng lớn phản ứng trước kết quả trưng cầu về Brexit

Ngày 24/6, Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga (RCB) tuyên bố sẽ theo dõi sát sao tình hình của các thị trường toàn cầu sau khi cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Các ngân hàng lớn phản ứng trước kết quả trưng cầu về Brexit ảnh 1Quang cảnh bên ngoài trụ sở ECB ở Frankfurt am Main, miền tây Đức ngày 21/1. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Reuters, ngày 24/6, Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga (RCB) tuyên bố sẽ theo dõi sát sao tình hình của các thị trường toàn cầu sau khi cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - còn gọi là Brexit.

RCB cũng lưu ý rằng họ có đủ công cụ sẵn có để làm việc trong những điều kiện bấp bênh của thị trường.

Cùng ngày, phản ứng trước kết quả trưng cầu dân ý vừa qua ở Anh, Điện Kremlin khẳng định Nga muốn EU vẫn là một khối kinh tế lớn mạnh, với sự thịnh vượng, ổn định và có thể dự báo.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov trong mội tuyên bố khẳng định rằng những hậu quả tiêu cực đối với nền kinh tế nước này từ việc người dân Anh bỏ phiếu rời khỏi EU vẫn còn hạn chế.

Ông nói: “Nhiệm vụ đối với chính sách kinh tế Nga là sẵn sàng trước những kịch bản tiêu cực trong phát triển kinh tế toàn cầu, có nghĩa là cần dùng tới những giả thuyết thận trọng khi hoạch định (chính sách). Đối với Nga, Brexit trước tiên có nghĩa là sự rớt giá dầu, tình trạng suy yếu của đồng rouble và sự bất ổn gia tăng trên các thị trường tài chính... Tuy nhiên sự bất ổn đó chưa thấm với những gì chúng ta đã trải qua, vì thế ảnh hưởng (của Brexit) đối với tình hình kinh tế trong nước sẽ vẫn là hạn chế.”

Ngày 24/6, trong một động thái ít thấy, Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ xác nhận đã can thiệp vào thị trường tiền tệ để làm ổn định đồng franc của nước này sau khi cử tri Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU - Brexit).

Sau sự kiện trên, đồng ​franc của Thụy Sĩ đã tăng lên mức cao nhất so với đồng euro kể từ tháng 8/2015 và ghi nhận sự nhảy vọt mạnh nhất trong một ngày kể từ khi Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) bỏ quy định neo đồng franc vào đồng euro từ ngày 15/1/2015.

Trong một thông cáo, SNB cho hay Brexit đã khiến đồng franc chịu áp lực tăng giá và SNB đã can thiệp vào thị trường trao đổi ngoại tệ để ổn định tình hình. Hồi tuần trước, giới chức SNB cho biết sẽ đối phó với sự tăng vọt của đồng franc, vốn đã bị định giá quá cao, nếu Anh rời EU.

Ngày 24/6, Tổng thống Thụy Sĩ Johann Schneider-Ammann, kiêm Bộ trưởng Kinh tế Thụy Sĩ cho rằng Brexit sẽ làm gia tăng những nghi ngờ liên quan tới triển vọng kinh tế châu Âu và tác động tiêu cực tới kinh tế Thụy Sĩ.

Ông nhấn mạnh Chính phủ Thụy Sĩ sẽ theo dõi sát các tác động lên tỷ giá hối đoái của đồng franc.

Theo AFP, ngày 24/6, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết định chế tài chính này sẵn sàng gia tăng thanh khoản cho các thị trường tài chính nếu cần thiết sau khi Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - Brexit.

Trong một tuyên bố, ECB nhấn mạnh: "Sau khi có kết quả của cuộc trưng cầu dân ý ở Anh, ECB đã theo dõi sát các thị trường tài chính và liên hệ chặt chẽ với các ngân hàng trung ương khác. ECB sẵn sàng gia tăng thanh khoản, nếu cần thiết, bằng đồng euro và các ngoại tệ khác."

Ngân hàng này còn cho biết thêm rằng: "ECB đã chuẩn bị cho kịch bản bất ngờ này bằng cách liên hệ chặt chẽ với các ngân hàng đang giám sát đồng thời coi hệ thống ngân hàng khu vực đồng euro là mạnh mẽ về vốn và thanh khoản"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục