Nhiều ngân hàng lớn nhất thế giới đã có kế hoạch bố trí các nhà giao dịch và nhân viên có thâm niên làm việc qua đêm vào tối ngày 23/6, sau khi Vương quốc Anh tổ chức cuộc trưng cầu ý dân liên quan đến tư cách thành viên của nước này trong Liên minh châu Âu (EU). Đây được dự báo sẽ là 24 giờ bất ổn nhất đối với các thị trường trong 25 năm qua.
Cụ thể, các ngân hàng lớn gồm Citi, Deutsche Bank, JPMorgan, Goldman Sachs, HSBC, Barclays, Royal Bank of Scotland và Lloyds đang lên kế hoạch yêu cầu nhân viên của họ làm việc hoặc trực tại London sau khi thời gian bỏ phiếu kết thúc (dự kiến vào 21 giờ GMT) và kết quả cuộc trưng cầu ý dân bước đầu được tiết lộ.
Cùng với những ngân hàng trên, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cũng có kế hoạch bố trí cán bộ tương tự.
Một kết quả “Có” với Brexit, chỉ khả năng London rời EU, sẽ tạo ra tâm lý hoảng loạn trên thị trường đồng thời đặt một dấu hỏi lớn về tương lai của Vương quốc Anh cùng nền kinh tế trị giá 2.900 tỷ USD của nước này.
Bên cạnh đó, các thị trường ngoại hối, chứng khoán và trái phiếu cũng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.
Ngoài ra, Brexit cũng sẽ đặt ra những thách thức nhất định đối với hạ tầng cơ sở của các thị trường châu Âu như hệ thống máy tính và các sàn giao dịch chứng khoán.
Trước đó, Jamie Dimon, Giám đốc điều hành của ngân hàng JPMorgan Chase & Co và cũng là người ủng hộ London ở lại với EU, đã cảnh báo rằng JPMorgan có thể sẽ cắt giảm biên chế tại nước Anh nếu cử tri nước này lựa chọn kịch bản Brexit.
Tại Mỹ, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen cũng cảnh báo Brexit sẽ làm rung chuyển các thị trường tài chính và làm chậm tiến trình nâng lãi suất của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Một vài ngân hàng lớn dự báo rằng đi kèm với kịch bản Brexit sẽ là sự sụt giá mạnh của đồng bảng Anh xuống mức thấp chưa từng có so với đồng euro và có nguy cơ chỉ ở mức 1,2 USD/bảng Anh.
Ngân hàng Goldman Sachs thì dự báo đồng bảng Anh có thể mất đến 11% giá trị so với giỏ đồng tiền chủ chốt của các thị trường phát triển. Theo ngân hàng này, thậm chí ngay cả đồng euro cũng mất giá đến 4% nếu như kịch bản Brexit trở thành hiện thực.
Chris Huddleston, người đứng đầu mảng thị trường tiền tệ của ngân hàng Investec, nhận định mặc dù thế giới đã chứng kiến những cuộc bầu cử tại Mỹ, nước Anh và thậm chí cả cuộc bỏ phiếu khi Scotland đòi độc lập khỏi Xứ sở Sương mù hay như sự kiện ngân hàng Lehman bất ngờ sụp đổ thì cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6 đến nay vẫn được coi là một những sự kiện tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất đối với Vương quốc Anh.
Tầm ảnh hưởng của Brexit sẽ không chỉ được gói gọn trong nước Anh mà sẽ lan rộng ra cả châu Âu. Mới đây, Viện nghiên cứu kinh tế Đức DIW vừa cảnh báo rằng "cuộc ly hôn" giữa Vương quốc Anh với Liên minh châu Âu sẽ làm suy giảm đáng kể tăng trưởng kinh tế Đức, tác động trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu của nền kinh tế lớn nhất Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và khiến các thị trường tài chính điêu đứng.
DIW ước tính tăng trưởng kinh tế Đức ở mức lần lượt là 1,7% và 1,4% trong hai năm 2016 và 2017 nhờ nhu cầu trong nước khởi sắc. Tuy nhiên, kịch bản Brexit sẽ tước đi lần lượt 0,1 điểm phần trăm và 0,5 điểm phần trăm từ con số tăng trưởng của nước này trong hai năm 2016 và 2017./.