Ngày 23/2, truyền thông Hy Lạp đưa tin bốn ngân hàng hàng đầu của nước này cần được "bơm vốn" thêm khoảng 5 tỷ euro (khoảng 6,8 tỷ USD), khi các nhà cho vay quốc tế chuẩn bị tiến hành một đợt kiểm tra mới về "thể trạng" của nền tài chính nước này.
Theo báo Ethnos, Ngân hàng trung ương Hy Lạp (BoG) ước tính các ngân hàng trên - gồm National Bank, Alpha Bank, Piraeus Bank và Euro Bank - cần khoảng 5 tỷ euro (khoảng 6,8 tỷ USD) vốn mới, trong khi tuần báo Realnews đưa ra con số chừng 4,5 đến 4,8 tỷ euro.
BoG đang đánh giá các kế hoạch tái cơ cấu của bốn ngân hàng hàng trên trước khi công bố kết quả các đợt sát hạch để xác định những ngân hàng này có khả năng vượt qua các cú sốc do nợ xấu gây ra trong tương lai hay không.
Các quan chức của nhóm "bộ ba" nhà cho vay quốc tế - bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - đang chuẩn bị thực hiện đợt sát hạch mới nhất để qua đó quyết định liệu sẽ có hay không việc giải ngân gói cứu trợ mới cho Athens.
Bộ ba này cũng sẽ hội kiến với Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yannis Stournaras.
Vào tháng Một vừa qua, Thống đốc BoG George Provopoulos đã cảnh báo nợ xấu tại Hy Lạp đang gia tăng, có thể dẫn đến tình trạng thiếu vốn ở các ngân hàng và các ngân hàng cần được bơm thêm tiền để thanh toán các khoản lãi suất cao.
Năm ngoái, Hy Lạp đã phải thực hiện chương trình tái cơ cấu và củng cố lĩnh vực ngân hàng nước này theo thỏa thuận cứu trợ với nhóm bộ ba kể trên, theo đó 50 tỷ euro trong gói cứu trợ này được dành cho việc tái cơ cấu các ngân hàng bị thua lỗ nặng nề do tham gia kế hoạch xóa nợ đối với các trái phiếu chính phủ do tư nhân nắm giữ trong năm 2012.
Bốn ngân hàng trên được tái cấp vốn và đã mua lại những ngân hàng nhỏ hơn cũng như các chi nhánh của các ngân hàng nước ngoài đã rút đi.
Hy Lạp đã ký với EU, ECB và IMF hai thỏa thuận cứu trợ tổng cộng 213 tỷ euro trong các năm 2010 và 2012./.