Các nền kinh tế mới nổi trước thách thức duy trì đà tăng trưởng

Trong số các thị trường mới nổi, Ấn Độ, Nam Phi, Trung Quốc, Indonesia là các thị trường được dự đoán sẽ đạt bước tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng.
Các nền kinh tế mới nổi trước thách thức duy trì đà tăng trưởng ảnh 1Nền kinh tế Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan trong năm tới. (Nguồn: projectvendor.com)

Trong năm 2017, sự tăng trưởng mạnh mẽ về thương mại và lợi nhuận công ty đi kèm với lãi suất bình quân vẫn ở mức thấp đã mang lại động lực tăng trưởng cho các thị trường mới nổi.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, khả năng các nền kinh tế này duy trì được môi trường tăng trưởng thuận lợi như vậy trong năm 2018 đang bấp bênh do tác động bất lợi trong bối cảnh đồng USD mạnh lên và kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.

Nhiều chuyên gia cho rằng có thể coi sự xáo trộn thị trường trong nửa đầu năm 2017 là cơ hội mua tài sản (chứng khoán hay cổ phiếu) trên các thị trường mới nổi. Lợi nhuận trên cổ phiếu (EPS) của các công ty nằm trong chỉ số chứng khoán của các thị trường mới nổi đang trên đà tăng 22,4% trong năm nay.

Ngân hàng Bank of America Merrill Lynch (BofA) dự báo đà tăng EPS sẽ chậm lại đáng kể, xuống mức 12,7% trong năm tới, dù đây vẫn được coi là chỉ số tăng trưởng tích cực.

Trong số các thị trường mới nổi, Ấn Độ, Nam Phi, Trung Quốc, Indonesia là các thị trường được dự đoán sẽ đạt bước tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, y tế và công nghệ thông tin.

Ông David Hauner, người đứng đầu bộ phận kinh tế Đông Âu, Trung Đông và châu Phi thuộc chi nhánh ngân hàng BofA ở thủ đô London nhận định việc Chính phủ Mỹ phát đi tín hiệu giảm quy mô chương trình nới lỏng định lượng, đồng nghĩa giảm số tiền bơm vào hệ thống tài chính, năm 2018 có thể đặt ra thử thách lớn đối với các thị trường mới nổi kể từ năm 2013, thời điểm các thị trường tài chính chao đảo mạnh khi lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao.

Theo ông Hauner, nguy cơ tiềm ẩn trong năm 2018 có lẽ là việc kết hợp thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ và kích thích tài chính của Mỹ, động thái có thể cùng đẩy lãi suất trái phiếu thực và danh nghĩa của Mỹ tăng lên.

Điều khiến giới phân tích quan ngại hiện nay là chương trình cải cách thuế của Chính phủ Mỹ nếu được thông qua có thể dẫn tới làn sóng vốn công ty đổ trở lại thị trường Mỹ và đẩy đồng USD mạnh lên so với các đồng tiền khác được lưu thông tại những thị trường mới nổi. Khi đó, các nguồn vốn thường có xu hướng chảy khỏi các thị trường này và đổ về hướng các tài sản được niêm yết giá bằng đồng USD.

[Fitch dự báo kinh tế Mỹ Latinh tăng trưởng mạnh trong năm 2018]

Một yếu tố tiêu cực khác có thể đe dọa triển vọng các nền kinh tế mới nổi là chiều hướng kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Khảo sát mới nhất của công ty Anh Consensus Economics cho thấy tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong năm 2018 có khả năng sẽ chậm lại ở mức 6,4%.

Theo một số chuyên gia, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc bắt đầu chậm lại từ quý 3 năm nay và chiều hướng này sẽ tiếp diễn trong năm 2018. Đây là kết quả chủ yếu của việc thắt chặt chính sách tài chính, bảo vệ môi trường và các biện pháp mới trong việc kiềm chế đà tăng trưởng quá nóng trên thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng chừng nào cả 2 rủi ro lớn đối với các nền kinh tế mới nổi là chính sách của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc vẫn nằm trong tầm kiểm soát, thì các nhà đầu tư vẫn có thể tập trung vào các dự án đầu tư tích cực hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục